Dán răng sứ: Tưởng an toàn nhưng không phải ai cũng làm được

Giới trẻ đang xôn xao với cách thẩm mỹ răng không phải chịu đau đớn, vừa bảo vệ men răng vừa giúp nụ cười tỏa nắng, răng đều tăm tắp.

Lên đời nhan sắc nhờ thẩm mỹ răng

Hiện nay, mốt thẩm mỹ răng, làm răng sứ đang được rất nhiều người ưa chuộng áp dụng, nhất là trong giới nghệ sĩ, từ những hot girl hot boy đến các nghệ sĩ gạo cội cũng đều sử dụng cách này để tân trang nhan sắc. Chính vì thế, mốt làm đẹp răng này trở thành xu hướng mạnh mẽ.

Hoàng Dũng (ông trùm Phan Quân) trong bộ phim truyền hình hot nhất hiện nay thi nhau “thay răng”.

Được biết để thay đổi hàm răng đen xỉn màu, không đồng đều, bác sĩ nha khoa dùng công nghệ mài nhỏ răng gốc và tiến hành bọc răng sứ để có được hàm răng trắng, đều đẹp tự nhiên chỉ sau 1-3 ngày. Tuy nhiên cách làm này vẫn được coi là thủ công và khiến răng thật của chúng ta bị mài đi quá nhỏ, gây nên những hạn chế như ê buốt răng, cảm giác ăn và nhai khác biệt.

Mới đây, các tín đồ làm đẹp lại xôn xao một phương pháp thẩm mỹ răng mới, đó là dán răng sứ. Cách làm này không cần phải mài răng, bảo tồn mặt trong của răng thật, màu sắc đẹp như bọc răng sứ.

Không cần mài, tẩy trắng đau buốt, răng vẫn trắng đẹp như mơ

Theo như lời quảng cáo của nhiều chị em, miếng dán răng sứ có màu sắc của răng thật, sáng bóng tự nhiên nên khi gắn vào răng sẽ rất khó để phát hiện. Bên cạnh đó, mặt dán sứ có độ bền cao, bề mặt ngoài không bị đổi màu bám dính khi ăn hoặc uống các loại thực phẩm màu như cafe, tương ớt.

Dán răng sứ không cần mất thời gian thích nghi như bọc răng sứ, việc ăn nhai cũng hoàn toàn bình thường. Miếng dán răng sứ dùng để dán phần ngoài của răng, phần lớn mặt trong của răng vẫn giữ nguyên như răng thật, khi sử dụng để ăn uống hầu như không ảnh hưởng. Miếng dán răng che đi những chiếc răng xấu, răng bị đổi màu… lại không phải đụng đến dao kéo nhiều.

Miếng dán răng sứ.

Theo bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt Đỗ Văn Quyền – dán răng sứ là phương pháp phục hình thẩm mỹ. Khác với chụp sứ là bạn phải mài tất cả các mặt của răng thì với dán răng sứ, bạn chỉ cần mài mặt ngoài của răng.

Một miếng sứ mỏng sau đó được dán lên phần mài bằng Cemet nha khoa để khắc phục những răng bị sứt mẻ, màu sắc, hình thể không đẹp, hoặc những trường hợp khấp khểnh nhẹ, khe thưa giữa các răng.

Trước đây bạn phải mài đi một lớp răng từ 1.2 đến 2mm thì mới đủ để làm phục hình, nhưng với sự tiến bộ không ngừng của nha khoa thì bây giờ chỉ cần mài 0,5 đến 1mm là có thể làm mặt dán sứ. Trường hợp răng đều nhưng bị thưa thì thậm chí chỉ cần mài ít hơn nữa. Những trường hợp răng nhiễm màu flor hoặc tetracyclin nặng thì sẽ cần mài nhiều hơn bình thường để mang lại màu sắc ưng ý.

Dán răng sứ là dùng những mảnh sứ rất mỏng, dán lên bề mặt ngoài của răng để che đi các nhược điểm, đồng thời tái tạo phục hồi hình dạng và màu sắc răng như mong muốn .

Tuy nhiên dán răng sứ chỉ áp dụng cho những trường hợp cung răng tương đối đều, răng bị nhiễm kháng sinh tetracycline, răng nhiễm fluoride không thực hiện tẩy trắng được; răng trám bằng chất liệu composite đã bị đổi màu; răng lớn nhỏ không đồng đều trên cung hàm; răng bị nứt, vỡ, mẻ.

Còn trường hợp răng khấp khểnh, bắt buộc phải làm chụp sứ hoặc bạn có thể chỉnh nha cho đều cung răng trước rồi mới được làm phương pháp này. Ngoài ra,với những trường hợp răng đang mắc bệnh lý: sâu răng, nha chu, viêm tủy, răng mọc lệch, sai khớp cắn, khoảng cách của các răng thưa quá lớn, răng bị vỡ lớn cần phải được tham khảo có nên dán răng sứ hay không.

Bác sĩ Đỗ Văn Quyền chia sẻ “Một số thông tin cho rằng làm dán răng sứ gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Nếu răng bạn khấp khểnh nhiều mà không muốn chỉnh nha thì vẫn có thể dán răng sứ, nhưng cần thực hiện dưới sự điều trị của bác sĩ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng và an toàn. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ người điều trị cho mình để tránh hậu quả”.

Đặc biệt, sau khi dán răng sứ bạn vẫn phải vệ sinh hàng ngày như răng thật là đánh răng, nước xúc miệng và chỉ nha khoa. Độ cứng răng sứ bây giờ thậm chí cứng hơn răng thật nên bạn có thể sử dụng thoải mái, nhưng cũng nên tránh ăn đồ quá cứng cho cả răng sứ lẫn răng thật.

Biến chứng khi làm dán răng sứ thì gần như không có, một số người nhạy cảm sẽ có thể hơi ê buốt trong vài ngày đầu sử dụng, sau đó giảm dần và mất hẳn. Nếu bác sĩ làm cho bạn đúng quy trình kỹ thuật, được đào tạo chuyên sâu về phục hình và có kinh nghiệm thì hầu hết là không có biến chứng.

Nguồn: 2sao.vn

Comments

comments