Đã đến lúc phải quan tâm đến… nướu

Lơ là chăm sóc nướu có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho sức khoẻ răng miệng của chính bạn.

Với đa số người Việt, chăm sóc răng miệng là khái niệm chỉ dừng lại ở việc chăm sóc răng trắng đẹp. Tuy nhiên, thực tế chúng ta đã bỏ quên đi một yếu tố tiên quyết rất quan trọng, đóng vai trò là nền tảng của hàm răng chắc khoẻ đó là nướu răng.

Một hàm răng lành mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Nướu tốt là nền tảng cho hàm răng tốt.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi nướu bị tổn thương

Chính sự “thờ ơ” với việc chăm sóc nướu đã khiến đến 75% người Việt phải đối mặt với bệnh nướu răng. Những bệnh này thường diễn tiến thầm lặng, nên khi phát hiện thì bệnh đã có nhiều biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ như: hôi miệng, rụng răng… mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc vệ sinh răng miệng kém.

Khi bị vi khuẩn tấn công, nướu sẽ bị sưng đỏ, bở, rời khỏi chân răng, tạo ra những khoảng hổng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công sâu hơn vào mô quanh răng. Từ đó gây ra tình trạng chảy máu, khiến hơi thở có mùi hôi và gây ảnh hưởng đến cấu tạo răng một cách trầm trọng. Một khi tình trạng này kéo dài, khoảng cách giữa nướu và răng sẽ càng xa nhau, khiến chân răng bị mất “tấm chắn bảo vệ” và thảm cảnh xảy ra không phải là một hàm răng ố vàng, mà bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất răng vĩnh viễn.

Nếu bị viêm nướu nặng, bạn có thể đối diện với nguy cơ mất răng…vĩnh viễn

Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tệ hại nhất mà bệnh nướu răng gây ra cho bạn. Các vi khuẩn gây hại “sinh sống” trong khoang miệng sẽ “tranh thủ” thời cơ này xâm nhập vào mạch máu, tấn công vào hệ miễn dịch làm giảm sức đề kháng của bạn, tạo tiền đề gây nên những nguy cơ nghiêm trọng cho sức khoẻ toàn diện của bạn, trong đó có tim mạch, tiểu đường,…

Làm thế nào để chăm sóc nướu?

Để bảo vệ sức khoẻ và nụ cười cho chính mình, việc đầu tiên bạn cần là thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc sức khoẻ răng miệng và tập thói quen chăm sóc nướu cẩn thận.

Cần chải răng đúng cách: chải dọc theo chiều mọc của răng, chải sạch tất cả các mặt răng (mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai) và lưỡi. Điều này không chỉ có ích cho răng mà còn giúp bảo vệ nướu răng không bị tổn thương.

Sử dụng kem đánh răng phù hợp, nên chọn loại kem có công thức bảo vệ nướu với các thành phần như vitamin E và hợp chất kẽm để ngăn ngừa bệnh nướu răng ngay từ lúc khởi đầu.

Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng, nơi bàn chải không chạm tới, loại bỏ hết thức ăn thừa và mảng bám, nơi trú ngụ “yêu thích” của vi khuẩn gây bệnh.

Lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ thải ra độc tố gây hại đến nướu răng.

Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây ra tình trạng hôi miệng thay vào đó bằng các loại thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin C để bảo vệ răng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tránh viêm nhiễm nướu răng.

Ngoài ra, cần lưu ý đến những biểu hiện nhỏ âm thầm diễn ra như: nướu sưng đỏ, dễ chảy máu hay răng trở nên nhạy cảm, để phát hiện kịp thời các bệnh liên quan đến răng miệng và can thiệp đúng lúc, ngăn ngừa bệnh tiến triển về sau.

>>> Xem thêm tin bài liên quan: Lấy cao răng không ê, chữa sâu răng sữa, hàn răng sâu

Nguồn Dân trí

Comments

comments