Phát biểu tại ngày Sức khỏe Răng miệng Thế giới (20/3) tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết trên 90% bệnh răng miệng ở trẻ em đều rơi vào lứa tuổi từ 6 đến 12. Nhiều bé chưa hình thành thói quen đánh răng vào buổi tối.
Trên thế giới và tại Việt Nam hiện có tới 90% dân số mắc bệnh răng miệng. Trong đó, tại Việt Nam, 90% bệnh răng miệng ở trẻ em là ở độ tuổi 6-12 tuổi và thống kê cho thấy, trung bình mỗi trẻ em lứa tuổi này có trên 6 răng bị sâu hay mất răng do sâu răng.
Theo giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, tình trạng răng có bệnh (sâu răng, viêm nướu lợi) làm mất răng hoặc răng yếu không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây hại cho sức khỏe nói chung của người bệnh như mắc các bệnh về khớp, tiêu hoá, viêm cầu thận, viêm tắc thành mạch, viêm phổi, tiểu đường,…
Một khảo sát của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương cho thấy hầu như không có trẻ nào đến bệnh viện chữa răng từng khám răng định kỳ; đa số thực hành không đúng cách các động tác vệ sinh răng miệng (không làm sạch tất cả các bề mặt của răng khiến mảng bám tích tụ gây sâu răng); nhiều trẻ có thói quen ăn bánh, kẹo ngọt liên tục trong ngày, không theo bữa và ăn xong không đánh răng. Đây chính là nguy cơ cao dẫn đến sâu răng.
Trong khi đó, “các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu Chính phủ các nước, các tổ chức y tế và cả xã hội cùng tăng cường hợp tác, hỗ trợ và đầu tư vào các chương trình nha khoa dự phòng, phát hiện và chữa trị các bệnh về răng miệng”, ông Patrick Hescot– Chủ tịch Liên Đoàn Nha Khoa Thế Giới, cho biết tại buổi lễ.
Theo đó, cần kiểm tra răng định kỳ 6 tháng một lần; chải răng miệng đúng cách; hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và nhiều đồ ngọt, hướng dẫn trẻ ăn theo bữa. Thực hiện đánh răng ít nhất 2 lần một ngày vào buổi sáng và tối. Đặc biệt, việc điều trị nội nha rất quan trọng.
Nguồn: Dân trí