Khi không có được hàm răng tự nhiên thẳng đều, trắng sáng, nhiều người chọn cách bọc răng sứ. Đây là một biện pháp trong nha khoa nhằm vào mục đích vì sức khỏe và thẩm mỹ.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, việc thực hiện bọc răng sứ trở nên dễ dàng với chi phí thấp hơn.
Khi nào nên bọc ?
Không phải trường hợp nào hư hại răng cũng có thể bọc răng sứ mà tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ mới chỉ định nên bọc hay không. Theo bác sĩ Tôn Thất Bảo Hùng (Nha khoa Apona, TP.HCM), khi răng bị sâu quá nhiều, miếng bể quá lớn không thể trám được nữa, nếu trám thì miếng trám hay bị sút ra, lúc đó cần làm răng sứ. Trường hợp răng mọc chen chúc, lệch lạc, thưa, hô mà phương pháp chỉnh nha không khả thi… thì phục hình bọc răng sứ thẩm mỹ sẽ giúp tái tạo hình dáng của răng, để răng trông đều đặn và màu răng như ý muốn. Những trường hợp răng bị nhiễm kháng sinh – tetracycline nặng, áp dụng phương pháp tẩy trắng răng không hiệu quả thì bọc răng sứ là phương pháp để thay thế lớp men răng sậm màu bằng lớp men sứ mới, trắng đẹp hơn.
Có một số phương pháp bọc răng sứ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng răng và mục đích của việc bọc răng. Trường hợp mất một hoặc nhiều răng sẽ làm cầu răng (răng bị nhổ mất chân răng, sẽ mài đi hai hay nhiều hơn răng kế bên để làm bắc cầu răng). Với trường hợp chân răng còn tốt nhưng thân răng bị nhiễm màu thì sẽ mài bớt lớp men răng thật và làm mặt sứ dán vào. Răng sâu, bị vỡ lớn, trám tái tạo sẽ không bền, bác sĩ nha khoa sẽ mài răng nhỏ lại và chụp răng sứ lên răng thật, phương pháp này gọi là mão sứ. Ở những người răng mọc chen chúc, lệch lạc, thưa, hô, thì có thể phục hình bằng cách bọc răng sứ.
Mục đích của biện pháp bọc răng sứ gồm: phục hồi chức năng răng; chỉnh sửa lại kích thước thẩm mỹ của răng; cải thiện màu răng; giúp răng thẳng hàng; hạn chế hở lợi mỗi khi cười; tăng độ khỏe của răng.
Làm trong bao lâu ?
Theo bác sĩ Bảo Hùng, thời gian thực hiện bọc răng sứ tùy thuộc vào số lượng răng cần làm, tay nghề chuyên môn của bác sĩ, điều kiện vật chất kỹ thuật của cơ sở nha khoa. Thông thường, thời gian bọc 1 – 2 răng kéo dài từ 2 – 3 ngày. Thời gian làm 1 hàm, 2 hàm kéo dài từ 3 – 5 ngày.
Người được bọc răng có thể cần thêm 1 – 2 lần trở lại để chỉnh khớp gắn cho cảm giác nhai được ổn nhất. Đặc biệt, tại một số phòng khám nha khoa được trang bị công nghệ làm răng sứ mới nhất hiện nay như răng sứ Empress CAD/CAM của Thụy Sĩ hoặc Cerec của Đức thì chỉ trong 1 lần hẹn và cần từ 1 – 2 giờ là hoàn tất.
Răng sứ có bền không ?
Răng sứ đúng quy chuẩn rất bền, tuy nhiên hiện nay có những loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì chất lượng kém và còn gây hại tới sức khỏe của người sử dụng. Răng sứ bền thường là các loại răng được làm từ các hãng danh tiếng ở Thụy Sĩ, Đức, Mỹ, Nhật Bản… có tuổi thọ từ 8 đến 15 năm, có khi nhiều hơn.
Răng sứ kim loại có độ bền từ 8 – 15 năm, như răng sứ Dsign của Thụy Sĩ, răng sứ Vita của Đức, răng sứ Ceramco của Mỹ, Nuritake của Nhật. Răng sứ khung sườn Zirconia với công nghệ CAD/CAM của Đức có độ bền từ 12 đến 25 năm. Độ bền của răng sứ còn phụ thuộc vào thói quen chăm sóc, sử dụng răng của mỗi người, bác sĩ Bảo Hùng cho biết.
Hiện nay, phương pháp tiên tiến nhất được áp dụng tại VN là làm răng sứ bằng vật liệu công nghệ cao với kỹ thuật CAD/CAM hàng đầu thế giới của Sirona, Đức. CAD/CAM là kỹ thuật làm răng sứ với sự hỗ trợ của máy tính và máy phay chuyên dụng. Ưu điểm của phương pháp này là có độ chính xác cao; tăng độ khít sát của cùi răng với phục hình, bên cạnh đó giảm được việc mài nhiều mô răng do tính công nghệ mới, vật liệu mới toàn sứ của Thụy Sĩ. Chỉ cần mài chỉnh từ 0,3 – 0,5 mm thay vì 0,6 – 1,2 mm khi làm răng sứ kim loại.
Ăn uống thế nào ?
Sau khi bọc răng sứ, khả năng cảm nhận thức ăn sẽ bị giảm đi so với răng thật, nhưng vẫn còn tùy thuộc vào răng thật trước đó như thế nào, bác sĩ Bảo Hùng cho biết. Ngoài ra, sự nhạy cảm còn phụ thuộc vào việc khi làm răng sứ có lấy tủy răng hay không. Nên hạn chế việc lấy tủy răng vì làm răng mất cảm giác. Sau thời gian dài lấy tủy, răng sẽ trở nên giòn, dễ gãy vỡ. Việc làm răng không lấy tủy khó hơn nhiều, đòi hỏi tay nghề bác sĩ giỏi và khéo hơn. Khuynh hướng phục hình răng hiện đại là làm đẹp răng nhưng bảo toàn răng tối đa. Trong đó, cần hạn chế mài chỉnh mô răng thật nhiều và hạn chế lấy tủy răng. Bác sĩ Bảo Hùng cũng lưu ý thêm là lúc mới làm răng sứ xong thì nên ăn uống nhẹ nhàng để quen cảm giác ăn nhai, sau 1 – 2 tuần cảm giác ăn nhai bình thường trở lại.
Có biến chứng không ?
Làm răng sứ có gây đau ê khi bắt đầu làm, nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào độ nhạy cảm của từng người và tay nghề bác sĩ. Nhiều trường hợp khách hàng chia sẻ là không đau như họ tưởng. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng răng thật khỏe mạnh vẫn là răng tốt nhất. Chỉ nên làm răng sứ khi thật sự cần thiết. Và nếu cần phải làm răng sứ do chẳng may răng bạn bị gãy vỡ hay mất răng, răng bị lệch lạc hay sậm màu thì bạn cần tìm hiểu và chọn lựa nha khoa uy tín, bác sĩ có tay nghề thực sự tốt. Vì mỗi lần làm răng sứ là mỗi lần chịu đau, tốn kém chi phí, mất thời gian đi lại, chờ đợi.
Biến chứng là rất ít nếu bác sĩ khám và chẩn đoán đúng, điều trị đúng chỉ định và labo phục hình sứ sử dụng đúng nguyên vật liệu chính hãng, làm đúng kỹ thuật.
Nguồn: thanhnien.vn