Y học cổ truyền điều trị đau răng lợi

Hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua các cơn đau răng lợi, gây nhiều khó chịu cũng như phiền toái trong việc ăn uống. Nặng có thể kèm theo sốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.

Y học cổ truyền cho rằng răng là phần dư của xương cốt, do thận làm chủ. Các đường kinh mạch túc dương minh vị và thủ dương minh đại trường đi qua lợi. Do đó đau răng lợi có quan hệ với các tạng thận, vị, đại trường. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau răng lợi như vị hỏa thượng nhiệt, phong hỏa thượng công, thận âm bất túc, hàn nhiệt kích thích và sâu răng, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị phải dựa trên các nguyên nhân khác nhau.

Bột nghệ có tác dụng chữa đau răng

Vị hỏa thượng nhiệt

Bệnh nhân có triệu chứng lợi sưng lên, má cùng bên sưng, thậm chí không thể nhai, tại chỗ có cảm giác nóng hoặc bỏng rát, đau miệng, hơi thở hôi, táo bón, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng.

Phương pháp điều trị: thanh nhiệt tả hỏa, tiêu sưng chỉ thống.

Bài thuốc thanh vị tán gia giảm: liên kiều 8g, bạch chỉ 10g, quy vĩ 12g, sinh địa 12g, đan bì 10g, thăng ma 10g, hoàng liên 10g, phòng phong 12g, thạch cao 20g, ngưu tất 12g, tri mẫu 10g, đại hoàng 6g, sinh khương 3 lát, đại táo 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang.

Phong hỏa thượng công

Bệnh nhân có triệu chứng lợi hơi sưng đỏ, đau liên miên, răng lung lay, có thể có chảy máu chân răng.

Phương pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, bổ thận chắc răng.

Bài thuốc lục vị địa hoàng gia vị: thục địa 24 g, hoài sơn 12g, phục linh 12g, trạch tả 12g, sơn thù 9g, đan bì 9g, ngưu tất 10g, bổ cốt chỉ 10g. Nếu lợi sưng nhiều gia thêm tri mẫu 10g, hoàng bá 6g.

Đau răng do phong hàn

Bệnh khởi phát đột ngột, đau lan ra trán và hai bên đầu, lợi không sưng đỏ. Nếu đau di chuyển, đau như điện giật lan ra trán và hai bên má gọi là đau do phong. Nếu đau xuất phát khi tiếp xúc với lạnh, điểm đau cố định gọi là đau do lạnh.

Phương pháp điều trị: khu phong tán hàn chỉ thống.

Đau do lạnh là chủ yếu dùng bài: đương quy 10g, tế tân 6g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, huyền hồ sách 5g, chỉ xác 10g, cát cánh 6g, cam thảo 6g.

Đau do gió là chủ yếu dùng bài: quế chi 6g, phòng phong 6g, hạt cải 10g, cát cánh 10g, tô diệp 6g, tế tân 3g, trúc diệp 6g, đan bì 10g, cam thảo 5g. Dù đau do gió hay do lạnh đều có thể dùng tế tân, bạch chỉ, thương nhĩ tử, cam thảo mỗi thứ 10g, đun lấy nước súc miệng nhiều lần trong ngày.

Đau răng lợi do sâu răng

Đây là loại đau do sâu răng nên chỉ điều trị bằng thuốc uống cho kết quả không lý tưởng mà cần kết hợp với điều trị tại chỗ sẽ cho kết quả tốt hơn.

Thuốc uống dùng bài định thống tán gồm: đương quy 10g, sinh địa 12g, tế tân 6g, bạch chỉ 10g, liên kiều 10g, khổ sâm 10g, xuyên tiêu 5g, hoàng liên 10g, ô mai 10g, cát cánh 6g, cam thảo 6g. Thuốc dùng ngoài gồm xuyên tiêu, hạt tiêu, ngũ bội tử mỗi thứ 5g, băng phiến 0,5 g, xay thành bột mịn. Khi dùng lấy tăm bông vô khuẩn chấm vào bột thuốc nhét vào chỗ răng sâu, sau khi chảy nước dãi ra cơn đau dừng lại.

Ngoài việc điều trị theo biện chứng như trên trong dân gian còn có một số cách đơn giản để điều trị chứng bệnh này. Dùng búp lá non của cây bàng, nhai ngậm, mỗi lần 5 – 10 phút, có thể thêm chút muối ăn, cùng ngậm 5 – 10 phút. Sau mỗi lần ngậm, súc miệng sạch. Ngày làm 3-5 lần.

Lá trầu không: lấy khoảng 10 lá tươi, cắt nhỏ, thêm một bát nước sạch, sắc nhanh (15 phút) lấy nước ngậm mỗi khi đau răng, mỗi lần ngậm 5 – 10 phút. Ngày 5 – 10 lần.

Bột nghệ: cho một ít bột nghệ vào chỗ răng bị đau, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Lá lốt: Dùng toàn bộ cây, sắc đặc, lấy nước, ngậm khi răng, lợi đau.

Lột vỏ một tép tỏi, đập dập và nhét vào chỗ răng đau, nước tỏi cũng có tác dụng làm tê khu vực bị tổn thương và giúp bạn bớt đau.

TS.BS CKII. Dương Trọng Nghĩa

Nguồn: sức khỏe đời sống

Comments

comments