Tình trạng chảy máu chân răng nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh viêm nha chu, trầm trọng hơn sẽ khiến răng lung lay, gãy rụng.
Chảy máu chân răng là vấn đề mà nhiều người gặp phải khi chăm sóc, vệ sinh răng miệng hàng ngày. Chỉ cần một tác động nhỏ như chải răng thậm chí ấn nhẹ vào lợi cũng có thể gây ra hiện tượng này. Khi chân răng bị chảy máu là khi răng lợi phát đi tín hiệu về bệnh tật tuy nhiên nhiều người vẫn xem nhẹ, không tìm cách điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Hòa – Giảng viên Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội cảnh báo: “Chảy máu chân răng là triệu chứng có thể thấy trong nhiều bệnh nha khoa nguy hiểm. Khi hiện tượng này xuất hiện, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những hiểm họa không ngờ”.
Dưới đây là một số căn bệnh nha khoa có thể đe dọa sức khỏe răng miệng có biểu hiện ban đầu là chảy máu chân răng:
Viêm lợi
Bình thường lợi có màu hồng nhạt, các mô nâng đỡ răng liên kết chặt chẽ với nhau và không bị chảy máu. Khi bị viêm, lợi sưng đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng, xỉa răng và cả khi ăn đồ ăn cứng, hoa quả…
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm lợi là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho các mảng bám, cao răng hình thành. Các mảng bám và cao răng ở lại trên răng gây kích thích lên lợi, chân răng. Theo thời gian, lợi trở nên sưng và chảy máu một cách dễ dàng.
Viêm nha chu
Đây là giai đoạn nặng của bệnh viêm lợi, thường xảy ra ở tuổi trung niên. Bệnh tiến triển âm thầm với dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là chảy máu chân răng. Ở giai đoạn nặng xuất hiện vôi đóng xung quanh chân răng, răng lung lay…
Áp xe chân răng
Áp xe răng là ổ mủ gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn ở phần trong của răng. Áp xe chân răng thường xảy ra như là kết quả của viêm hốc răng không được điều trị, hoặc răng bị thủng, vỡ cho phép vi khuẩn tấn công vào sâu bên trong. Khi răng lợi liên tục đau nhói, chân răng chảy nhiều máu, người lên cơn sốt, sưng tấy vùng mặt là khi các túi áp xe trở nên trầm trọng.
Tiêu xương chân răng
Tiêu xương chân răng là sự suy giảm của xương ổ răng và xung quanh chân răng về mật độ, chiều cao, số lượng và thể tích xương. Tiêu xương chân răng sẽ dẫn đến đồng thời khá nhiều vấn đề răng miệng cũng như thẩm mỹ của khuôn mặt như tụt nướu, răng xô lệch, nghiêng vẹo, tiêu xương hàm, món và trông khuôn mặt già đi nhiều hơn so với tuổi.
Răng lung lay, gãy rụng
Răng bị lung lay đa phần có nguyên nhân do bệnh lý về nướu mà cụ thể là viêm nướu và viêm nha chu. Khi phần nướu bị viêm nhiễm nặng do hình thành các túi mủ sát chân răng thì sẽ có xu hướng tách ra khỏi răng, không ôm sát chân răng nữa, chân răng như có xu hướng dài ra. Kèm theo đó là hiện tượng tiêu xương có thể xảy ra, lâu ngày có thể dẫn đến gãy rụng răng.
Làm gì khi bị chảy máu chân răng?
Với những nguy cơ nêu trên, khi xuất hiện hiện tượng trên, chúng ta cần:
– Đánh răng ít nhất 2 ngày/lần với kem đánh răng có thêm các tác dụng bảo vệ lợi giúp giảm và phòng nguy cơ chảy máu chân răng.
– Điều chỉnh thói quen ăn uống: Không ăn đồ ăn cay nóng, uống nhiều nước có gas, cafein gây nhiệt miệng, sưng tấy lợi, chân răng…
– Thay vì xỉa răng hãy nhờ đến sự trợ giúp của chỉ nha khoa để lấy đi phần thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn…
Đặc biệt, theo kinh nghiệm dân gian, khi mới xuất hiện hiện tượng chảy máu chân răng có thể sử dụng một số bài thuốc từ đinh hương, hoa hòe, mật ong, vỏ cau… để chữa ngay tại nhà.
Bài thuốc dân gian từ đinh hương, hoa hòe giúp phòng ngừa chảy máu chân răng ngay tại nhà
Nguồn Dân trí