Nanh sữa của trẻ em là gì? Đó là bệnh hay là quá trình mọc răng bình thường của trẻ? Khi nào thì trẻ bắt đầu mọc răng sữa? Trẻ bị sưng đỏ nướu khi moc răng thì có phải cho uống thuốc điều trị hay không? … Những thắc mắc này của các bậc cha mẹ sẽ được BS chuyên khoa răng – hàm – mặt giải đáp cặn kẽ.
Con em 2,5 tháng tuổi, từ khi sinh ra phần miệng hoàn toàn bình thường. Em cũng rất cẩn thận trong việc giữ gìn, vệ sinh miệng cho con sau khi cho con bú nhưng không hiểu sao mấy hôm nay phần lợi của cháu xuất hiện 3,4 đốm trắng nhỏ, em pha nước muối nhạt và dùng khăn mềm lau cho con nhưng những đốm trắng đó không hết. Xin hỏi BS có phải con em đã mắc phải bệnh nguy hiểm nào về răng miệng hay không và phải chữa trị ra sao?
ThS. BS Nguyễn Anh Sơn trả lời:
Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm tưởng đây là biểu hiện của tình trạng thừa canxi ở trẻ, hay có khi là vết đóng cặn của sữa do không vệ sinh răng miệng tốt hoặc một loại bệnh nguy hiểm nào đó. Nanh sữa là nang lợi ở trẻ sơ sinh có tên khoa học Gingival Cyst of Newborn hay nang lá răng (Dental Lamina Cyst) là một loại tổn thương lành tính hay gặp của niêm mạc miệng trong một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh.
Biểu hiện lâm sàng là một hay nhiều nốt màu trắng hoặc vàng nhạt ở nông ngay dưới bề mặt niêm mạc lợi hàm trên, hàm dưới của trẻ. Kích thước mỗi nang thường vào khoảng 2 – 3mm, có trường hợp to đến một centimet nhưng hiếm gặp.
Nanh sữa khá thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng, một số trường hợp gặp muộn hơn nhưng hiếm khi gặp trên 8 tháng tuổi, và nó xuất hiện ở hơn một nửa số trẻ mới sinh. Đây là một tổn thương lành tính, ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến sau khoảng từ 2 tuần đến 5 tháng.
Đa số trường hợp nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu gì nhiều cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có trẻ quấy khóc hoặc bỏ bú, những trường hợp này là do nanh sữa bị nhiễm khuẩn gây sưng đau khi chạm phải. Khi bị nhiễm khuẩn, nanh vẫn có màu trắng nhưng niêm mạc lợi xung quanh rìa đốm trắng sẽ có màu đỏ, sưng thậm chí còn bị loét do sang chấn, có thể có sốt nhẹ.
Bạn không nên quá lo lắng, chỉ nên chích nhể khi trẻ có dấu hiệu đau, khóc, bỏ bú… và việc chích nhể chỉ có vai trò giúp nanh nhanh tiêu biến chứ không có tác dụng phòng tái phát. Để lấy bỏ nanh sữa, nên đưa trẻ đến nha sĩ để đảm bảo việc điều trị và có lời tư vấn chăm sóc hợp lý.
Con trai em được hơn 6 tháng, mấy hôm nay khi cho bú em thấy cháu thường hay nghiến lợi vào ti mẹ, phần nướu ở hàm dưới cũng thấy hơi sưng đỏ, cháu cũng quấy khóc và lười ăn hơn trước rất nhiều. Xin bác sỹ cho biết em có cần cho cháu đi khám hay mua thuốc gì để cho con uống không ạ?
Khi mọc răng, trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ, dễ bị kích động, bứt rứt khó chịu trong người. Một số trẻ hay bị chảy nhiều nước miếng và thường gặm thứ gì đó trong miệng vì ngứa lợi. Vào thời kỳ này hoặc sớm hơn, trẻ thường bị sốt nhẹ và đôi khi kèm đi ngoài phân lỏng, dân gian thường gọi là “tướt mọc răng”.
Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra, có thể bị nhiễm khuẩn vùng răng miệng (nướu vùng răng sắp mọc sưng đỏ). Những triệu chứng này khiến trẻ thường quấy khóc nhiều hơn và ăn uống kém.
Thường trẻ mọc răng sữa vào tháng thứ 5 trở đi, có trẻ mọc sớm hơn nhưng có trẻ mọc muộn hơn. Thứ tự mọc 2 răng cửa dưới sau đó 2 răng cửa trên. Chỗ mà bạn nói nướu sưng đó chính là nơi răng sữa cửa trên sắp mọc, vì vậy bạn không cần điều trị gì cả.
Nếu trong thời gian mọc răng sữa, trẻ sốt cao 38,5 độ C trở lên và đau nhiều, có thể cho uống paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Không được để trẻ sốt quá cao. Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc hạ sốt, chỉ cần cho trẻ bú nhiều hơn.
Để giữ vệ sinh miệng, lợi cho trẻ các bà mẹ hằng ngày nên biết cách dùng gạc sạch tẩm nước muối 9%o để vệ sinh miệng cho trẻ sau khi ăn hoặc sáng ngủ dậy để miệng bé luôn sạch, phòng tránh các bệnh về răng miệng ở trẻ.
Nguồn: tienphong.vn