Sâu răng sữa không chỉ làm bé đau mà còn là nguyên nhân ảnh hưởng sự phát triển chiều cao, gây hại đến hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và cả sức khỏe tim mạch của bé. Mẹ nhất định phải cho bé xem video dễ hiểu sau, để bé thêm kiến thức bảo vệ nụ cười tươi xinh nhé.
Sâu răng sữa làm “siêu nhân” của mẹ thấp bé
Thời kỳ răng sữa kéo dài từ khi bé còn là một bào thai, đến khi con được 6 tuổi. Ban đầu, những mầm răng sữa sẽ phát triển từ tuần thứ 8 thai kỳ và nhú lên thành chiếc răng sữa xinh xinh khi bé được 5-6 tháng tuổi. Răng sữa cứ thế mọc đầy đủ dần đến năm bé được 3 tuổi và sau đó lung lay, thay bằng răng vĩnh viễn lúc bé được 5-6 tuổi.
Thời kỳ răng sữa kể trên nằm trọn trong khoảng “thời gian vàng” (0-6 tuổi) để bé phát triển chiều cao. Đến 60% sự tăng trưởng chiều cao của bé được quyết định vào giai đoạn này.
Do đó, nếu bị sâu, sún răng sữa sớm, bé sẽ rất khó khăn trong ăn uống (răng đau nhức, nhai khó, nhai không kỹ, biếng ăn…) dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp bé, bởi dinh dưỡng là yếu tố chiếm tỷ lệ cao nhất (30%) quyết định việc phát triển chiều cao.
Sâu răng sữa làm hại dạ dày của con
Nhiều mẹ chủ quan nghĩ rằng răng sữa sâu cũng sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn, cứ đợi bé thay răng rồi mới chú trọng chuyện chăm sóc răng miệng cho con. Thực tế là sâu răng sữa sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhai của bé từ rất sớm. Điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của con, do bé nhai không kỹ hoặc nuốt thức ăn mà không nhai.
Chưa hết, răng sữa bị sâu chính là các ổ nhiễm khuẩn, chứa nhiều vi khuẩn gây hại, là nguyên nhân gián tiếp gây nên các bệnh hô hấp, tim mạch. Sún răng sữa cũng ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn, dẫn đến răng mọc lệch, mất thẩm mỹ sau này.
Sâu răng sữa ảnh hưởng đến sự tự tin, quá trình học hỏi và thành công của bé
Không chỉ làm bé đau, răng sữa bị sâu còn ảnh hưởng đến cả việc học phát âm, sự tự tin, khả năng giao tiếp của bé nữa. Mẹ có biết, khi bé sún răng sữa (nhất là ở vị trí răng cửa) sớm, bé dễ phát âm không chuẩn, ít thoải mái khi cười nói cùng các bạn, từ đó ảnh hưởng đến quá trình học hỏi và thành công của bé về sau.
Việc tập cho bé thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách khi bé còn nhỏ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi bé lớn lên. Do đó, đừng đợi đến khi những chiếc răng sữa thay bằng răng vĩnh viễn mới nghĩ đến chuyện chăm sóc răng miệng cho con. Một hàm răng sữa xinh xắn, chắc khỏe với nụ cười rạng rỡ sẽ mang đến cho bé cưng rất nhiều lợi ích, mẹ nhé!