Chải răng đúng cách phòng ngừa 80% sâu răng và viêm nướu

Mặc dù chúng ta nỗ lực rất nhiều trong các chương trình nha khoa dự phòng, nha khoa cộng đồng, nha khoa can thiệp, nha học đường… nhưng tỉ lệ bệnh sâu răng và viêm nướu ở VN cũng còn rất cao,

TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh, Phó Chủ tịch Hội RHM Việt Nam; Chủ tịch Hội RHM TP.HCM cho biết: “Mặc dù chúng ta nỗ lực rất nhiều trong các chương trình nha khoa dự phòng, nha khoa cộng đồng, nha khoa can thiệp, nha học đường… nhưng tỉ lệ bệnh sâu răng và viêm nướu ở VN cũng còn rất cao, đặc biệt nhất là ở trẻ em và người cao tuổi”.

Nhân Ngày sức khỏe răng miệng thế giới, TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh đã dành cho SK&ĐS cuối tuần cuộc trao đổi xung quanh vấn đề chăm sóc đúng cách để răng miệng khỏe – đẹp.

Chải răng đúng cách phòng ngừa 80% sâu răng và viêm nướu

– Xin tiến sĩ đánh giá ý thức chăm sóc răng miệng của người dân Việt Nam có chuyển biến tích cực gì trong những năm qua hay không?

TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh: Tôi cho là ý thức chăm sóc răng miệng của người dân Việt Nam có chuyển biến, xin nêu một số đặc điểm về hành vi sức khỏe răng miệng của người VN để thấy rõ điều này. Chẳng hạn: so sánh số liệu qua 3 thời điểm: năm 1995 – 2005 – 2015 cho thấy tỉ lệ ngày càng tăng qua các hành vi sau:

Hành vi có chải răng, tăng từ 30 – 89,9% và lên 91,6%.

Dùng kem đánh răng có Fluor, tăng từ 40 – 87,8% và lên 89,4%.

Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, tăng từ 17,2 – 44,5 – 76,3%.

Dùng chung 1 bàn chải răng, giảm mạnh từ 61,3%, còn 36,7% và giảm tiếp 19,5%.

Khám răng miệng định kỳ, tăng từ 21,6 – 50,7 – 64,3%.

Biết rõ y, bác sĩ điều trị, tăng từ 40 – 71,7 – 83,8%.

Phí điều trị dành cho răng miệng cũng tăng từ 50,7 – 65,2 – 79,7%.

Từ nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế và ngành RHM cả nước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ kết hợp các chương trình dự phòng, can thiệp cộng đồng… có hiệu quả nhưng tỉ lệ bệnh sâu răng và viêm nướu ở VN cũng còn rất cao, đặc biệt nhất là ở trẻ em và người cao tuổi; dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng của chúng ta cũng chưa được thỏa đáng và công bằng giữa thành thị và nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng núi.

– Tiến sĩ có thể nói rõ hơn căn cứ vào đâu để đánh giá tỉ lệ bệnh sâu răng và viêm nướu ở VN còn rất cao? Và nguyên nhân do đâu mà con số này đáng báo động như vậy?

TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh: Căn cứ số liệu điều tra sức khỏe răng miệng quốc gia lần 1 năm 1990, lần 2 năm 2.000 và chúng ta đang khảo sát lần 3 (sẽ có kết quả vào cuối năm 2017-PV) cho thấy có mấy vấn đề tình trạng bệnh tật cần lưu ý là: sâu răng, nha chu, chấn thương, chấn thương hàm mặt, ung thư miệng… vẫn còn cao.

Cụ thể sâu răng: tỉ lệ thật sự chỉ ở mức trung bình cao theo phân loại của WHO, nhưng quan trọng là số trung bình răng sâu mất trám ở lứa 5 – 6 tuổi khoảng trên 50 – 60%; đặc biệt ở lứa 12 tuổi là rất cao đến 80 – 85%. Ở trẻ em còn có tỉ lệ sâu răng sữa, tỉ lệ này cũng rất cao là 85 – 90%, mà chúng ta đều biết răng sữa không tốt sẽ ảnh hưởng đến hệ răng vĩnh viễn sau này. Còn ở người trưởng thành thì trung bình mỗi người có 3 răng sâu mất trám. Đối với TP.HCM và một số nơi có chương trình can thiệp tương đối tốt như chương trình Fluor hóa nước máy, nha học đường… thì con số này dưới 2, có  một số quận, huyện thì dưới 1.

Riêng bệnh viêm nướu, ở trẻ em từ 85 – 90%, bệnh nha chu, nhiều nhất là tỉ lệ vôi răng ở người trung niên và cao tuổi rất nghiêm trọng, có nơi 90% thậm chí là 100%.

Còn ung thư miệng thì người VN là một trong 5 quốc gia có tỉ lệ ung thư miệng cao nhất vùng châu Á Thái Bình Dương.

Chấn thương hàm mặt, có giảm đi sau khi có chương trình khuyến cáo đội nón bảo hiểm nhưng vẫn còn cao so với các nước khu vực Đông Nam Á.

Lý do những con số trên vẫn còn cao, không như ta mong muốn vì xuất phát từ ý thức và hành vi của người dân trong vấn đề tự chăm sóc, tự bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình chưa đạt yêu cầu. Tôi xin lấy một câu nói của một giáo sư về nha khoa rất nổi tiếng ở Mỹ nói rằng: trong lịch sử nha khoa thế giới đã chứng minh ở các nước phát triển có chương trình dự phòng và chăm sóc tốt, nếu người dân biết cách tự chăm sóc sức khỏe răng miệng của mình, biết cách bảo vệ và giữ gìn răng miệng tốt thì 80% chúng ta có thể phòng ngừa các bệnh sâu răng và viêm nướu, ngay cả bệnh ung thư miệng cũng sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hội nhập phát triển thì vấn đề ăn uống với thực phẩm có nhiều đường, có gas, nhiều chất bột dính… mà không chải răng kỹ lưỡng thì đó chính là nguyên nhân tạo ra sâu răng.

Cuối cùng là ý thức khám răng định kỳ của người dân chưa cao và dịch vụ chăm sóc cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn; những vùng xa xôi thì khả năng đáp ứng, cơ sở vật chất còn thiếu mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực.

– Tiến sĩ có đề cập đến việc ý thức chăm sóc và giữ gìn răng miệng của người dân có tác dụng đến 80% việc phòng ngừa sâu răng và viêm nướu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy con số người dân có hành vi chải răng thường xuyên đã tăng rất cao. Vậy tại sao chải răng nhiều mà không tránh được sâu răng và viêm nướu?

TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh: Chải răng nhiều nhưng không đúng cách thì vẫn bị sâu răng và niêm nướu như thường. Thực tế nhiều người dân có những thói quen rất sai lầm như: chải răng rồi mà vẫn ăn lại; chải “xẹt, xẹt” vài cái là xong; chải vài cái lại nhổ bọt kem đánh răng ra rồi mới chải tiếp… Cách chải răng đúng là: Chải răng ngay sau khi ăn, ít nhất là 2 lần/ngày (2 thời điểm quan trọng là: ngay sau khi ăn sáng và tối trước khi đi ngủ); nên chải răng ít nhất 2 – 3 phút để răng được bổ sung đủ lượng fluor và canxi. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thì nên có cha mẹ hỗ trợ và có thể dùng một lượng ít kem đánh răng (bằng một hạt đậu xanh) không có hoặc có ít fluor; còn trẻ từ 6 – 12 tuổi thì có thể sử dụng kem và lượng kem như người lớn.

– Tiến sĩ có lời khuyên gì cho người dân để có được hàm răng khỏe – đẹp?

TTND.TS.BS. Ngô Đồng Khanh: Việc chăm sóc răng miệng nên bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, đến khi chào đời và bắt đầu mọc những cái răng sữa đầu tiên. Cha mẹ chính là tấm gương tốt cho trẻ trong việc ý thức và giữ gìn sức khỏe răng miệng. Nên khám răng định kỳ để phát hiện kịp thời các vấn đề về răng miệng. Đồng thời cần bỏ một số thói quen sai lầm trong chăm sóc trẻ như: cho thêm đường vào sữa; mớm thức ăn cho trẻ (vì trẻ có thể lây mầm bệnh từ miệng cha mẹ)…

Trong tháng 3 này, hưởng ứng ngày mà toàn thế giới truyền bá thông điệp về chăm sóc sức khỏe răng miệng, đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi và nhiều chương trình hết sức ý nghĩa diễn ra như: đi bộ, tháng khám răng miễn phí, tổ chức những Hội thảo chuyên đề, tư vấn sức khỏe răng miệng… hướng đến mục tiêu vì một thế hệ không sâu răng. Tôi mong muốn tất cả các thành viên trong cộng đồng hãy lan tỏa ý thức và hành động tích cực để bảo vệ sức khỏe răng miệng của chính mình. Và đó cũng chính là thông điệp để làm cho mỗi người chúng ta đều có răng miệng trở nên khỏe, đẹp và duyên dáng hơn.

– Cám ơn tiến sĩ đã dành cho SK&ĐS cuối tuần cuộc trao đổi thiết thực này.

Nam Hoàng (thực hiện)

Nguồn: Sức khỏe đời sống

Comments

comments