Vùng kẽ răng là nơi giữ mảng bám nhiều nhất và rất khó đưa bàn chải tới được, vì vậy phải dùng các phương pháp đặc biệt để làm sạch như sử dụng chỉ tơ nha khoa,
Vùng kẽ răng là nơi giữ mảng bám nhiều nhất và rất khó đưa bàn chải tới được, vì vậy phải dùng các phương pháp đặc biệt để làm sạch như sử dụng chỉ tơ nha khoa, tăm gỗ nha khoa, bàn chải kẽ răng và bàn chải đặc biệt.
Dùng chỉ nha khoa: chỉ nha khoa có tác dụng làm sạch mảng bám ở vùng kẽ răng. Lấy 1 đoạn chỉ khoảng 35 cm, quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón tay giữa, sau đó dùng ngón trỏ tay phải hoặc tay trái ấn sợi chỉ vào kẽ răng, kéo sợi chỉ theo 1 hướng để làm sạch mặt bên của răng. Để có tác dụng thì chỉ phải kéo quanh răng theo đường cong và tiếp xúc chặt với mặt răng. Chú ý không làm tổn thương lợi.
Dùng tăm gỗ: tăm gỗ được sử dụng không phải để làm sừng hoá lợi mà để làm sạch răng ở vùng ranh giới răng – lợi và làm sạch kẽ giữa các răng. Chỉ dùng với kẽ răng lớn hơn kích thước tăm. Tăm cần diệt khuẩn trước khi dùng.
Khi dùng tăm không được làm tổn thương tổ chức. Nếu chà xát tăm lên lợi viêm sẽ gây kích thích viêm, vì vậy ảnh hưởng tới viêm nhiều hơn là làm sạch răng.
Bàn chải kẽ răng: chải kẽ răng là biện pháp quan trọng để làm sạch kẽ răng. Vùng giữa các răng hàm và kẽ chân răng không thể làm sạch hoàn toàn được bằng chỉ và tăm nhưng có thể làm sạch tốt hơn bằng chải kẽ răng. Chỉ dùng với kẽ răng lớn hơn bàn chải.
Dùng máy phun nước (tăm nước): phương pháp phun tưới có thể là biện pháp bổ sung cho chải răng, đặc biệt đối với chỗ có cầu răng. Phương pháp này có tác dụng làm sạch các mảnh vụn thức ăn nhưng không làm sạch được mảng bám răng. Sau phẫu thuật quanh răng phun tưới bằng nước ấm với dung dịch mặn loãng bệnh nhân sẽ có cảm giác rất dễ chịu.
Nếu bổ sung thêm chất sát khuẩn vào nước để phun tưới như Chlohexidine với nồng độ loãng còn có tác dụng đối với cả vi khuẩn trong miệng. Phun tưới quá mạnh cũng có thể gây nguy hiểm vì có thể đẩy vi khuẩn ở túi lợi vào tổ chức và gây ra áp xe quanh răng.
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Răng lệch lạc làm khó vệ sinh răng miệng do vậy cần nắn chỉnh răng đều đặn giúp cho việc vệ sinh răng miệng thuận lợi hơn.
Sửa chửa các hàm giả, răng giả sai qui cách. Các chụp răng bị hở, dắt thức ăn là những chụp răng nên được làm lại để tránh hiện tượng viêm lợi. Các miếng trám sai nên cần được trám lại.
Chế độ ăn uống
Thiếu hụt dinh dưỡng không gây viêm lợi nhưng nếu bệnh do mảng bám gây ra đã có sẵn thì thiếu hụt dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển bệnh. Vì vậy, cần phải có chế độ ăn cân bằng.
Thành phần hoá học và tính chất lý học của thức ăn cũng ảnh hưởng đến mô lợi như các thực phẩm xơ làm sạch răng. Các thức ăn mềm, dính, có đường lại là điều kiện tốt để hình thành mảng bám răng.
TS. Lê Long Nghĩa
Nguồn: Sức khỏe đời sống