Chỉ đánh răng kỹ càng là bạn đã yên tâm vì hơi thở không mùi? Không phải vậy.
Ảnh minh hoạ: Internet
Hơi thở có mùi do đâu?
Khi thức ăn sót lại trong miệng hay giữa các kẽ răng bị vi khuẩn phân hóa, nhiễm trùng ở nướu răng, chân răng, quanh cổ răng, sâu răng… sẽ tạo ra mùi hôi trong hơi thở, trong miệng bạn.
Bạn cũng có thể bị hôi miệng do hút thuốc lá nhất là các loại thuốc hút mạnh như xì gà, ống điếu, ống píp cũng giảm nước bọt.
Những người mắc các bệnh lý về mũi, xoang (như viêm mũi xoang cấp mạn, viêm xoang do răng), đặc biệt viêm xoang do răng gây hơi thở hôi rất nhiều, thậm chí gây khó chịu cho người xung quanh khi đến gần.
Các loại bệnh lý từ phổi, thực quản – dạ dày, gan mật, đường ruột như viêm nhiễm, trào ngược dịch vị, ung thư cũng gây hơi thở hôi.
Một số thực phẩm có chất dầu gây hơi thở có mùi như tỏi, hành, các loại rau có mùi, bia rượu, thức uống có gas. Các thực phẩm này sau khi được hấp thu, sau đó chất tinh dầu dễ bay hơi theo hơi thở bay ra mũi miệng, thậm chí ra mồ hôi trên cơ thể.
Quên chải lưỡi cũng gây hôi miệng
Một trong các nguyên nhân khiến hơi thở bạn có mùi là do lưỡi bị viêm và thức ăn bám trên bề mặt lưỡi hoặc các rãnh nứt lưỡi.
Bựa lưỡi được tạo nên từ các tế bào niêm mạc tróc ra, cùng với vi khuẩn và cặn đồ ăn bám vào mặt lưỡi. Do đó khi vi khuẩn phân giải cặn đồ ăn, chúng sẽ gây ra mùi khó chịu. Làm sạch bựa lưỡi cũng là giúp loại bỏ một lượng lớn các vi khuẩn trong miệng, giảm bớt gánh nặng cho hệ miễn dịch.
Dùng chải bựa lưỡi là cách rất hay để loại bỏ vi khuẩn và cặn đồ ăn trong bựa lưỡi, từ đó giảm thiểu bệnh về răng miệng, đồng thời giảm bớt mùi miệng.
Tuy nhiên, nếu chải bựa lưỡi không đúng cách sẽ làm tổn thương chồi vị giác. Do vậy, bạn cần cẩn thận khi cạo bựa lưỡi, không nên dùng lực quá mạnh, nếu không sẽ làm tổn hại đến các đầu nụ này, thậm chí còn gây tê lưỡi gây suy giảm chức năng vị giác, ăn mất ngon miệng…
Không nên chải lưỡi thường xuyên, mỗi tuần một – hai lần là đủ. Khi chải không dùng lực quá mạnh, chỉ nên chải nhè nhẹ, đừng để gây cảm giác đau và khó chịu. Mỗi lần chải không nên quá lâu, chải từ gốc lưỡi lên đầu lưỡi khoảng 10 lần là được. Sau khi chải lưỡi, hãy dùng nước muối pha loãng súc miệng cho sạch.
Ngoài việc chải lưỡi đều đặn hàng tuần, cần kết hợp với các biện pháp vệ sinh răng miệng khác như đánh răng kỹ càng, lấy cao răng 6 tháng/lần, kiểm tra sâu răng, và chú ý đến các loại thực phẩm ăn vào. Nên hạn chế bia rượu và thuốc lá.
Có thể làm sạch lưỡi bằng chanh vì chanh có tính axit giúp kháng khuẩn và làm sạch răng miệng rất tốt. Bạn có thể lấy lát chanh chà lên lưỡi hoặc trộn nước cốt chanh với bột baking soda và chà lên trên lưỡi trước khi đánh răng, giúp loại bỏ sạch lớp phủ trắng trên lưỡi và làm sạch khoang miệng. Sau khi thực hiện chà lưỡi xong thì súc miệng lại với nước sạch.
Bạn đều nên tạo cho mình thói quen súc miệng thường xuyên, nhất là sau khi ăn. Việc này hết sức đơn giản mà cần thiết giúp bạn loại bỏ vi khuẩn, thức ăn còn bám lại trên răng và lưỡi. Từ đó giúp hỗ trợ chữa bệnh hôi miệng hiệu quả và phòng tránh bệnh răng miệng. Ăn sữa chua cũng là biện pháp để làm sạch lưỡi.
Tăng cường thực phẩm tốt cho răng miệng như dâu tây, chanh, pho mát, táo… sẽ giữ răng của bạn trắng, khỏe.
Nguồn: tienphong.vn