Trồng lại răng bị mất

`Khi một hoặc nhiều răng bị mất sẽ ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ của gương mặt và gây ra những hậu quả xấu cho các chức năng của hệ thống nhai như: nhai, nuốt, phát âm và cho hệ thống tiêu hóa. Theo thống kê, đến 80% dân số bị sâu răng. Mà sâu răng lại là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất răng.

Mất răng nguy hại như thế nào?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất răng, rụng răng: bệnh nướu và nha chu nặng có thể dẫn đến tình trạng răng lung lay và hậu quả là rụng răng. Sâu răng không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cũng sẽ làm gãy, vỡ răng và phải nhổ răng. Ngoài ra, răng có thể bị mất vì tai nạn, vì tuổi tác.

Mất răng là một trong những biến cố lớn về thể chất trong cuộc sống của một người. Khi một hoặc nhiều răng bị mất, tác hại đầu tiên của nó là làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của răng, bao gồm nhai, nuốt và phát âm. Răng có nhiệm vụ giúp cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh, vì nếu thức ăn không được nhai nhuyễn, khi vào dạ dày sẽ khó tiêu hóa hơn, dễ làm bao tử bị đau. Răng sữa mất sớm sẽ làm cho trẻ nói ngọng và phát âm không chính xác. Người lớn mất răng cửa sẽ khó nói đúng giọng nhất là khi học ngoại ngữ

Bình thường các răng trên cung hàm sẽ tiếp xúc nhau và ăn khớp với hàm đối diện tạo nên một khớp cắn hài hòa giúp bạn có thể ăn nhai tốt. Nếu một trong các răng trên cung hàm mất đi, các răng kế cận có xu hướng ngả vào khoảng trống bị mất răng, răng đối diện với khoảng mất răng cũng có xu hướng trồi lên để lấn vào khoảng trống. Các răng trên cung hàm không còn tiếp xúc tốt không chỉ dẫn đến thưa răng mà còn gây xáo trộn khớp cắn, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm, gây ra loạn năng khớp thái dương hàm.

Khi bị loạn năng khớp thái dương hàm, bệnh nhân thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong ăn uống. Điều trị chứng bệnh này mất rất nhiều thời gian, tốn kém và cũng thường khó hồi phục được hoàn toàn.

Răng bị mất: trồng lại như thế nào?

Với những lý do ở trên, việc trồng (phục hình) lại răng bị mất là một chỉ định bắt buộc. Chỉ định này phải được thực hiện sớm để bảo tồn những giá trị về hình dạng vốn có của răng. Khi răng đã bị xô lệch, việc phục hình lại răng bị mất sẽ gặp khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không thể khôi phục lại chức năng ăn nhai như ban đầu và vẻ thẩm mỹ của răng được trồng lại cũng không đẹp như mong muốn.

Hiện nay trong điều trị nha khoa, việc phục hình lại răng bị mất được thực hiện bằng những phương pháp sau: Cấy ghép Implant; làm hàm tháo lắp; phục hình sứ cố định

Cấy ghép Implant là phương pháp tối ưu nhất đối với chỉ định phục hồi lại răng đã bị mất. Phương pháp này sẽ hồi phục lại – chỉ – răng – bị mất, mà hoàn toàn không tác động đến những răng khác bên cạnh. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp cấy ghép Implant là chi phí tương đối cao (khoảng 800USD – 1.500USD) , điều này gây cản trở cho lựa chọn của bệnh nhân. Với chi phí như vậy, không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện cấy ghép Implant.

Hàm tháo lắp là hàm được kết cấu bằng khung nhựa (hoặc kim loại) gắn những đơn vị răng bị mất. Hàm tháo lắp ưu điểm là chi phí tương đối rẻ, nhưng có nhiều nhược điểm: dễ gây hôi miệng, viêm nướu; việc khôi phục lại chức năng ăn nhai, phát âm cũng không được hoàn toàn.

Khi bị mất răng, các răng còn lại trên cung hàm sẽ bị xô lệch nghiêm trọng

Phương pháp bọc mão (cầu) răng sứ cố định đang được ứng dụng điều trị phổ biến hơn cả bởi vì nó khắc phục được những nhược điểm cũng như phát huy được những ưu điểm của 2 phương pháp trên. Cầu răng là một kiểu răng giả, gồm một nhịp cầu được nối với hai mão răng hai bên để thay thế răng mất. Hai mão trên hai răng trụ kế bên vùng mất răng được gắn dính và giữ chặt nhịp cầu trên các răng hai bên.

Với điều kiện kinh tế còn hạn hẹp như ở Việt Nam thì việc quan tâm chăm sóc răng miệng nói chung và việc phục hồi răng bị mất nói riêng có lẽ còn chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Hy vọng vào một thời gian không xa, với những tiến bộ của ngành nha khoa cũng như sự cải tiến của ngành công nghệ vật liệu, chế tạo răng giả sẽ làm giảm giá thành điều trị răng miệng, để mọi người dân đều có điều kiện được “chăm sóc đến tận răng” theo đúng nghĩa đen của nó.

 

ThS.BS. NGUYỄN BÁ LÂN

Nguồn: Sức khỏe đời sống

Comments

comments