Đánh răng là cách tốt nhất để giữ gìn vệ sinh răng miệng và chống sâu răng cho trẻ. Khi trẻ 2 – 4 tuổi là lúc nên tập cho trẻ thói quen đánh răng.
Xem thêm >> > Răng trẻ em
Trẻ sơ sinh mới chào đời không có răng trong miệng, trung bình đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu chiếc răng đầu tiên, 12 tháng có khoảng 6 răng và đến 24 tháng sẽ đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 răng, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới.
Không có mốc chuẩn cụ thể nào qui định cho thời gian mọc răng sữa của trẻ, một số trẻ mọc sớm lúc 3 – 4 tháng tuổi; có trẻ mọc răng lúc 6 – 7 tháng tuổi và một số trẻ mọc răng muộn hơn. Tuy nhiên, mẹ đừng lo lắng, trẻ chỉ cần mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn hoàn toàn phát triển bình thường.
Sơ đồ cấu trúc răng sữa và răng vĩnh viễn
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã bắt đầu mọc răng sữa. Chiếc đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới. Thời kỳ mọc răng sữa của bé bắt đầu trong khoảng từ 5 tháng đến 8 tháng tuổi.
Khi trẻ mới mọc răng, mẹ có thể vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách dùng một chiếc khăn mềm, nhẹ nhàng chà lên răng của bé
Răng vĩnh viễn gồm 32 cái sẽ thay răng sữa trong khoảng thời gian từ 6 đến 20 tuổi. Khi răng vĩnh viễn xuất hiện, người lớn cần giám sát việc vệ sinh răng miệng của trẻ. Nhắc nhở con đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng khi thức dậy và trước khi đi ngủ buổi tối.
Đối với trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi, mẹ nên cho trẻ dùng loại kem đánh răng có hàm lượng fluoride thấp.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ dưới 6 tuổi nuốt phải một lượng nhiều fluoride trong khi đánh răng, trẻ có thể bị nhiễm fluoride. Hậu quả là một lớp màng trắng hoặc nâu sẽ bao quanh răng trẻ và sẽ rất khó sạch, điều này có thể gây tổn hại cho men răng và dẫn đến đau răng.
Dùng lượng kem đánh răng vừa phải, lượng nhỏ bằng hạt đậu là tốt nhất, vì nó không tạo quá nhiều bọt, gây trở ngại cho việc đánh răng của trẻ.
Khi mới dạy trẻ cách đánh răng, mẹ nên đứng phía sau trẻ hoặc để trẻ ngồi lên đùi mình, tay mẹ vòng ra đằng sau gáy của con, rồi đứng như thế cầm bàn chải đánh răng cho bé.
Tốt nhất hãy cho trẻ học đánh răng trước gương để bé có thể thấy được cách hướng dẫn của mẹ.
Mẹ có thể kiểm tra xem trẻ có răng sâu hoặc bị viêm nhiễm gì trong miệng hay không bằng cách bảo bé nói “A”. Khi trẻ nói “A”, mẹ hãy dùng tay đỡ cằm cho bé.
Cho bé sử dụng bàn chải có kích thước phù hợp với độ tuổi với lông mềm, mịn, đầu lông tròn để đánh răng được sạch và không gây tổn hại cho lợi của bé.
Mẹ cần dạy trẻ cách đánh răng đúng như sau: đặt lòng bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45 độ so với răng, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, đánh răng theo hướng lên xuống, vòng tròn một cách nhẹ nhàng.
Tuyệt đối không đánh răng theo chiều ngang, không chải răng quá mạnh gây trầy xước nướu, mòn răng và không lấy sạch hết mảng bám trên răng nữa đấy.
Mẹ nhất định phải dạy bé cách súc miệng, súc nước cho kêu sùng sục trong miệng trẻ và nhổ đi. Nếu trẻ nuốt quá nhiều kem đánh răng sẽ gây ra bệnh thừa chất florua, điều này khiến những đốm trắng xuất hiện trên răng của bé.
Một chế độ ăn uống khoa học là cách bảo vệ tốt nhất cho hàm răng của trẻ. Người lớn không nên cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn vặt có hàm lượng đường cao, hoặc để trẻ uống quá nhiều nước ngọt. Trước khi bé đi ngủ, mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống sữa hay ăn thêm bánh kẹo.
Nguồn: eva.vn