Hình ảnh những em bé sún hết răng cửa, mỗi lần đi khám là chữa sâu răng sữa liền 5-6 chiếc không còn hiếm. Nhiều người đổ tại cho men răng, do di truyền nhưng theo các chuyên gia, “thủ phạm” chính xuất phát từ nhận thức của cha mẹ, cộng đồng.
Hệ lụy từ tỉ lệ sâu răng cao
Theo kết quả điều tra răng miệng quốc gia năm 1990, sau đó là năm 2000 và hiện nay đang tổ chức điều tra răng miệng lần thứ 3 ở TP.HCM cũng như 1 số tỉnh thành, bệnh về nha chu, sâu răng, ung thư miệng hàm mặt, chấn thương hàm mặt vẫn rất đáng chú ý.
Ước tính hiện tỉ lệ bệnh sâu – mất – trám trung bình hiện là 3 răng mỗi người. Riêng ở lứa tuổi 5-6, tỉ lệ này là khoảng hơn 50%, nhưng đến lứa tuổi 12 đã tăng vọt lên hơn 80%.
Tiếp đó, tỉ lệ viêm nướu ở trẻ em là từ 85-90% và tỉ lệ vôi răng ở người trung niên là 95-100%.
Trao đổi với chúng tôi tại sự kiện Chào mừng ngày Răng miệng thế giới (20/3), TS Ngô Đồng Khanh – Phó Chủ tịch Hội RHM VN, Chủ tịch Hội RHM TP.HCM, đánh giá: “Tỉ lệ viêm nướu, sâu – mất – trám răng là rất cao. Nếu không giải quyết các vấn đề trên thì cuối cùng đều dẫn tới việc mất đi những cái răng đó”.
Trên thực tế, hình ảnh những em bé sún răng, đến phòng khám nha khoa chữa liền lúc 5-6 cái răng sâu không phải là hiếm. Và cha mẹ nào cũng băn khoăn không hiểu con mình bị sâu răng như vậy là do đâu khi mình luôn yêu cầu con đánh răng, súc miệng mỗi tối – sáng.
Quan trọng là nhận thức
TS. Ngô Đồng Khanh cho biết: Ở các nước phát triển, tỉ lệ mắc bệnh răng miệng rất thấp bởi theo nghiên cứu, khi có ý thức phòng ngừa tốt thì có thể giải quyết 80% vấn đề răng miệng.
Trong khi đó, ở nước ta, ý thức về việc tự chăm sóc, bảo vệ răng miệng của người dân chưa cao.
TS Ngô Đồng Khanh dẫn chứng luôn việc ăn nhiều các loại thức ăn đồ uống có đường, có ga, thức ăn dính, đặc biệt khi ăn những thức ăn này ở trường học đã tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển, tạo ra axit phá hủy cấu trúc men răng, khiến tỉ lệ sâu răng cao hơn. Khi không có sự hướng dẫn từ cha mẹ, thầy cô giáo, trẻ sẽ dễ tiêu thụ đường quá mức. Điều này có thể bắt nguồn ngay từ thời thơ ấu, khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Đó là thói quen thêm đường vào sữa, cho uống nước có mật ong, đường và sự phát triển của kinh tế kéo theo sự bùng nổ của các thực phẩm ngọt, dính.
Chưa kể, thói quen mớm thức ăn cho trẻ (sẽ truyền vi khuẩn từ người lớn sang trẻ nhỏ); không vệ sinh răng miệng cho trẻ sau khi bú đêm… hướng dẫn trẻ đánh răng, súc miệng chưa đúng cách… cũng góp phần quan trọng. Trong khi đó, ý thức khám răng định kỳ chưa có.
Cần lắm những chương trình dự phòng
Nói về tầm quan trọng của can thiệp dự phòng, TS. Ngô Đồng Khanh, dẫn chứng: Nếu trước 1975, tỷ lệ sâu – mất – trám trên 4, thậm chí có vùng là 6 chiếc thì sau khi có những chương trình dự phòng, tỷ lệ này còn dưới 2 hoặc có những trường học, quận huyện dưới 1 hoặc thậm chí không có.
Điều đáng mừng là hiện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, các doanh nghiệp và cả cộng đồng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới chương trình dự phòng – chăm sóc răng miệng. Tại buổi lễ chào mừng Ngày Răng Miệng thế giới tổ chức tại TPHCM (20/3), ThS. Nguyễn Đức Minh, Giám đốc bệnh viện Răng hàm mặt TPHCM, đã nhấn mạnh: “Vấn đề khả năng tự chăm sóc sức khoẻ răng miệng là điều cơ bản cốt lõi mà các ngành, các cấp quản lý ngành Răng – Hàm -Mặt muốn đạt tới, hướng đến một thế hệ không sâu răng, răng đều đẹp”.
Theo TS. Ngô Đồng Khanh, nội dung cơ bản của dự phòng là cần giáo dục sức khỏe răng miệng cho học sinh, tức là chỉ cho các em cách giữ vệ sinh răng miệng, biết chải răng sau khi ăn hoặc ít nhất 2 lần vào sáng – tối; biết sử dụng các loại kem đáng răng, chải răng có flour như một chất để dự phòng sâu răng.
Song song với đó là nâng cao nhận thức cho người dân. Người dân phải nhận thức rất rõ rằng chăm sóc răng sữa không tốt sẽ khiến răng vĩnh viễn mọc không đúng vị trí.
Do đó, ngay từ khi mang thai, người mẹ phải uống nước có flo.
Trẻ sau khi bú, ăn phải được vệ sinh miệng đúng cách.
Ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên, hãy bôi 1 ít kem đánh răng vào gạc rồi quấn quanh đầu ngón tay và chà vào răng trẻ.
Trẻ từ 3 tuổi trở ra phải đánh răng mỗi ngày, dùng kem đánh răng có hàm lượng flo dưới 500ppm và đến 6 tuổi có thể cho dùng kem đánh răng của người lớn.
Ngoài ra, nên chú ý chế độ dinh dưỡng và nếu thấy trên bề mặt răng xuất hiện những đốm trắng đục, đốm đen ở những hố và rãnh, kẽ răng thì nên đưa trẻ đến gặp nha sĩ; đưa trẻ đi kiểm tra định kỳ răng mỗi 6 tháng.
Những hoạt động ý nghĩa do nhãn hàng P/S đồng hành cùng Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM tổ chức chào mừng ngày Sức khỏe Răng miệng thế giới 20/3:
– Đi bộ hưởng ứng ngày sức khỏe răng miệng thế giới
– Tọa đàm về thẩm mỹ răng hàm mặt
– Tổ chức khám và tư vấn miễn phí cho người dân từ ngày 20/03 –20/04/2017 tại bốn địa điểm: Bệnh viên Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, khoa Răng Hàm Mặt trường ĐH Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba (Hà Nội).
Lê Hà
Nguồn Dân trí