Có thể bạn nghĩ rằng khi cạo vôi răng, nhổ răng hay chữa tủy răng… ít làm lây nhiễm và bị vướng vào các bệnh truyền nhiễm bởi vì thấy ít chảy máu. Bạn đã nhầm.
Công việc vệ sinh dụng cụ nha khoa phải được tuân thủ đúng quy trình để việc vô trùng được đảm bảo (ảnh minh họa) – Ảnh: T.T.D
Chỉ có thể yên tâm khi việc phòng chống lây nhiễm phụ thuộc vào quy trình bắt buộc thay vì ý thức của nhân viên y tế như hiện nay.
Nguy cơ cao, lại chìm lấp
Thật ra, việc lây nhiễm và bị lây nhiễm không phụ thuộc số lượng máu chảy nhiều hay ít mà phụ thuộc ý thức vô trùng và sử dụng các dụng cụ vô trùng tuyệt đối của nha sĩ và các kỹ thuật viên khi họ làm việc. Vấn đề lây nhiễm trong nha khoa bị chìm lấp, ít được đề cập.
Lây nhiễm trong nha khoa là một vấn đề lớn và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cả cộng đồng. Bạn không chết vì một cái răng đau nhưng bạn có thể sẽ chết vì viêm gan siêu vi B, một trong những bệnh dễ dàng lây nhiễm qua đường máu trong những thủ thuật như nhổ răng, chữa tủy răng không vô trùng. Việc lây nhiễm trong quá trình cung cấp các dịch vụ nha khoa càng được lưu ý hơn trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm đang ngày càng tỏ ra khó lường như hiện nay.
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất truyền theo đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B… và cả lây truyền qua đường tiêu hóa như tay chân miệng, E.coli gây hội chứng tán huyết tăng urê máu, viêm gan siêu vi A đều có thể lây truyền qua việc tưởng chừng đơn giản như cạo vôi răng, nhổ răng mà dụng cụ không được vô trùng.
Chưa thấy báo cáo chính thức nào về những trường hợp bị lây nhiễm HIV, tay chân miệng… sau khi đi làm răng, nhưng về nguyên tắc chúng ta có thể bị những bệnh nguy hiểm này nếu sử dụng các dụng cụ chưa được vô trùng trong quá trình làm các thủ thuật chăm sóc răng miệng.
Vô trùng, ai làm?
Việc kiểm tra vệ sinh định kỳ các phòng nha hiện nay của ngành y tế chỉ dừng lại ở mức phát hiện có hay không các phương tiện tiệt trùng, chứ chưa có khả năng nhận diện các dụng cụ mà các nha sĩ hay kỹ thuật viên đang sử dụng có vô trùng hay không. Do vậy, việc vô trùng dụng cụ phần lớn phụ thuộc vào ý thức và cam kết của chủ các phòng nha. Nơi nào có ý thức tôn trọng triệt để nguyên tắc vô trùng thì bệnh nhân được nhờ, còn nếu tắc trách thì bệnh nhân lãnh đủ.
Theo quy định, mỗi ghế nha phải có mười bộ đồ khám răng miệng, thực tế cho thấy bấy nhiêu là chưa đủ để khám và chữa răng ở những cơ sở đông khách. Câu hỏi là liệu có sử dụng lại dụng cụ chưa tiệt trùng cho bệnh nhân?
Thực tế chỉ những người trong cuộc mới có câu trả lời! Việc lau rửa, tiệt trùng dụng cụ được làm vào cuối ngày và do các phụ tá phụ trách. Đa số các phụ tá này chưa qua những khóa đào tạo cơ bản về vô trùng, lại phải làm việc vô trùng này vào cuối ngày làm việc dài nên dễ xảy ra sai sót trong quy trình tiệt khuẩn.
Ở những cơ sở nha khoa có đông nhân viên thì những phụ tá trẻ nhất, ít kinh nghiệm nhất sẽ được trao nhiệm vụ rất quan trọng là tiệt trùng dụng cụ. TP.HCM có xấp xỉ 1.500 cơ sở tư nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ chăm sóc răng miệng. Trong đó có không ít chủ nhân thật sự của các cơ sở này không phải là người trong ngành, họ chỉ là những người kinh doanh cho nên có thể vô trùng không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu so với lợi nhuận.
Nhiễm trùng bệnh viện đã được cảnh báo nhiều, tuy nhiên lây nhiễm trong quá trình nhổ răng, trồng răng… lại chưa được cảnh báo một cách đầy đủ. Không đảm bảo các nguyên tắc vô trùng trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc răng miệng có thể làm lây nhiễm nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng.
Nguồn: tuoitre.vn