Học nha, y dược ở Úc có gì khác ?

Úc là một quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận có hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tốt hàng đầu thế giới. Và không riêng ở Việt Nam, các bậc phụ huynh người Việt ở Úc cũng muốn con em mình “có chân” trong ngành học nha, y dược.

Úc là một quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận có hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tốt hàng đầu thế giới.Và không riêng ở Việt Nam, các bậc phụ huynh người Việt ở Úc cũng muốn con em mình “có chân” trong ngành học nha khoa, y dược.

“Cái rây” để lược học sinh vào ngành y dược, nha khoa

Muốn theo học y, nha, dược ở Úc thì điểm Phổ thông Trung học (TEE) cao cũng chưa hẳn có “cửa” vì còn phải trông chờ vào một kỳ thi có tên là UMAT. Tất cả ứng viên đều phải đậu UMAT – chữ viết tắt của cụm từ Undergraduate Medicine and health sciences Admission Test, có thể dịch là Thi tuyển sinh vào các ngành Khoa học Sức khỏe và Y tế.

Đây là một cuộc thi trắc nghiệm dành cho các học sinh muốn theo học các ngành về y tế, sức khỏe. Cuộc thi này gần giống như là cuộc thi trắc nghiệm chỉ số thông minh; bao gồm khả năng giải quyết tình huống, chỉ số thông minh và một phần rất quan trọng không thể thiếu được trong nhóm ngành này là y đức. Thông thường, UMAT sẽ quyết định một học sinh có thể theo học ngành nha, y, dược hay không. Một học sinh đạt điểm Enter cao (điểm mà trường ĐH chọn để có thể vào học) nhưng rớt UMAT thì xem như cầm… cặp sang trường khác.

UMAT được cho là rào cản để ngăn cản các sinh viên châu Á lọt vào “top 3” này. “Vấn nạn” này cũng đã từng được một nhật báo lớn nhất của Úc là The Australian mổ xẻ và cho rằng UMAT là “cái rây” để lược lại những sinh viên châu Á. Cuộc thi này nhằm thẩm định khả năng của ứng viên trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khả năng đọc và hiểu tiếng Anh, các kiến thức phổ thông trong đời sống, xử lý khôn ngoan các tình huống cụ thể lẫn trừu tượng.

UMAT gồm 3 ba phần thuộc 3 lĩnh vực khác nhau: phần 1 là khả năng suy luận hợp lý và cách giải quyết vấn đề (Logical Reasoning and Problem solving); phần 2 là hiểu biết về con người (Understanding People) và phần 3 là suy luận trừu tượng (Non-verbal Reasoning).

Trong phần 1, ứng viên sẽ được kiểm tra về khả năng suy luận, sự phán đoán cũng như diễn giải nhằm đưa một quyết định đúng đắn và hợp lý nhất. Các câu hỏi trong phần 1 là một chuỗi các tình huống và mỗi tình huống có một nội dung khác nhau trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Phần 2 tương tự như phần 1, tuy nhiên nội dung đi sâu về chuyên môn hơn. Dạng câu hỏi trong phần 2 thường đưa ra những tình huống đề cập đến mối quan hệ giữa thầy thuốc (bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ) và bệnh nhân. Nhiều câu hỏi có liên quan đến vấn đề lương tâm và nghề nghiệp. Một thí sinh giỏi phải biết ứng xử một cách khôn khéo và chọn ra một quyết định sáng suốt vừa hợp tình, hợp lý và hợp với lương tâm nghề nghiệp. Thí dụ như có một câu hỏi tại sao bạn lại chọn ngành dược, nếu bạn trả lời rằng làm dược sĩ có thể… mở nhà thuốc tây để làm giàu thì xem như rớt là cái chắc.

Phần 3 gồm toàn bộ các câu hỏi bằng hình vẽ đòi hỏi người dự thi phải có khả năng suy luận một cách độc lập và trừu tượng. Học sinh phải biết nhận diện hình trong một bức tranh hỗn hợp gồm đủ loại hình dạng và chiều hướng, kích thước khác nhau được đảo lộn trong không gian qua nhiều góc độ khác nhau. Đây là một “tuyệt chiêu” mới của cơ quan ACER (Australian Council for Educational Research) nhằm thử thách trí thông minh và khả năng phán đoán của thí sinh.

Nhân viên y tế là để cứu người, không phải để làm giàu

Úc là một quốc gia được WHO công nhận có hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe hàng đầu trên thế giới. Để được thành tích này phải nói đến sự cống hiến vượt bậc của đội ngũ nhân viên y tế. Dĩ nhiên với quy trình tuyển chọn và đào tạo vô cùng khắt khe, cho nên chất lượng hệ thống y tế Úc đã được WHO đánh giá cao, cả về chất lượng phục vụ cũng như trình độ chuyên môn.

Vai trò của bác sĩ (BS) và dược sĩ (DS) được phân công rõ ràng không có sự dẫm chân lên nhau trong công việc khám chữa bệnh và cấp phát thuốc. BS là người khám bệnh và kê toa thuốc; DS là người chịu trách nhiệm xem xét toa thuốc ấy. Khi cảm thấy toa thuốc không hợp lý, DS sẽ ngay lập tức “nối mạng” với BS đã ghi toa để tìm ra một giải pháp tối ưu. Một khi tai biến xảy ra, chẳng hạn như: có sự tác động nguy hiểm do các thuốc dùng chung gây ra thì DS cũng là người chịu trách nhiệm vì họ là “người gác cửa cuối cùng”.

Các nhà thuốc tây tại Úc đều sắp xếp hai nhóm thuốc theo khu vực khác nhau. Khu vực thuốc bán tự do không cần toa của BS, chẳng hạn: các loại vitamin, thuốc bổ, thuốc giảm đau thông thường… Những thuốc này được gọi là OTC drugs (Over The Counter-drugs). Khi cần bất cứ loại nào, khách hàng có thể tự động đến chọn rồi chỉ việc đến quầy thanh toán. Khu vực thứ hai là khu “prescription”, tức là tại khu vực này sẽ gồm các loại thuốc nằm trong danh mục cần phải có toa bác sĩ do Bộ Y tế Liên bang Úc ban hành. Người chịu trách nhiệm khu vực này là DS. Khu vực này được thiết kế riêng biệt để khách hàng không thể tự động vào lấy thuốc và DS cũng không được phép bán nếu không có toa BS. Nếu vi phạm, DS có thể bị đóng phạt, treo bằng hoặc phải ra tòa.

Có rất nhiều khách hàng “ma mãnh”, cầm toa này đi mua ở nhiều nhà thuốc khác nhau, hoặc cho người khác mượn toa (loại thuốc thường bị mượn toa là Viagra). Những năm gần đây, Bộ Y tế Úc đã thiết lập hệ thống computer gọi là “computer hóa” để xem toa thuốc này đã qua sử dụng chưa, đồng thời khi bán toa thuốc xong, DS phải ký tên vô hiệu hóa toa thuốc này. Để tránh tình trạng cho mượn toa, các DS cũng đã đòi hỏi BN phải xuất trình bằng chứng như: bằng lái xe, Healthcare, Medicare…Tại Úc, chỉ có DS mới có thẩm quyền cung cấp thuốc theo toa. Ngoài ra có những người phụ việc gọi là “pharmacist assistance”, những sinh viên dược khoa đang thực tập để lấy kinh nghiệm, giúp DS tìm kiếm những thuốc có trong toa. Người trực tiếp cấp phát thuốc cho bệnh nhân chính là DS.

DS được đào tạo tại Úc với một chế độ vô cùng khắt khe. Cho dù đã tốt nghiệp ĐH Dược, nhưng nếu muốn hành nghề phải trải qua một kỳ thi của Hội đồng Dược Tiểu bang (State Pharmaceutical Council Examination).

Và đặc biệt, ở Úc, không có khái niệm về nạn “phong bì”. Nhân viên Y tế đi làm việc với nhiệm vụ cứu người và chữa bệnh chứ không phải để làm giàu. Khi một BN cần nhập viện để cấp cứu thì họ phải ra tay cứu chữa trước chứ không phải xem nạn nhân hay bệnh nhân, có tiền hay không, rồi mới cứu!

 

DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG

Nguồn: Sức khỏe đời sống

Comments

comments