Dung dịch súc miệng và những tác động tới sức khỏe

Sử dụng dung dịch để vệ sinh răng miệng kết hợp với các phương pháp khác như đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa, chứ không phải để thay thế các phương pháp này. Hãy cùng Nha khoa Thẩm mỹ Hà Nội tim hiểu thành phần, công dụng và những lưu ý khi sử dụng dung dịch súc miệng.

Dung dịch súc miệng

Dung dịch súc miệng (DDSM) là dung dịch có tác dụng sát khuẩn, giảm sự hình thành mảng bám ở răng, giúp hơi thở thơm tho… nên được sử dụng để làm sạch răng miệng, khử mùi hôi, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý răng miệng như: viêm nướu răng, viêm nha chu, hơi thở hôi…

Thành phần:

Trong DDSM thường có các thành phần chính sau:
Chất kháng khuẩn (chlorhexidin, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide…): giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn ra khỏi miệng.
Chất tạo ngọt (saccharin, sucralose…): giúp cho dung dịch có vị ngọt dễ chịu trong miệng.
Chất tạo mùi (menthol, eucalyptol…): giúp cho dung dịch có hương vị dễ chịu trong miệng.
Chất bảo quản (natri benzoate, methylparaben): giúp kéo dài sự ổn định hoặc thời hạn sử dụng của dung dịch và ngăn chặn sự hình thành vi khuẩn.
Ngoài ra, trong thành phần còn có chất tạo màu, nước, cồn…

Phân loại:

Có nhiều loại dung dịch khác nhau tùy theo cách phân loại:
Theo lứa tuổi: dung dịch dành cho người lớn và dành cho trẻ em từ 6 – 12 tuổi (không chứa cồn).
Theo nguồn gốc của thành phần: dung dịch tự nhiên hay thảo dược (trong thành phần có dược liệu) và loại thông thường.
Theo tác dụng điều trị:
Ngăn ngừa sâu răng: trong thành phần thường có chứa fluoride giúp ngăn ngừa sâu răng.
Sát khuẩn: trong thành phần thường có chứa các chất sát khuẩn như hlorhexidin, hexetidin… giúp ngăn chặn sự hình thành các mảng bám ở chân răng, là nơi trú ngụ của vi khuẩn tiết ra các độc tố gây viêm nướu răng. Viêm nướu răng nếu không được điều trị sẽ gây ra viêm nha chu với biến chứng thường gặp là mất răng.
Kháng nấm: trong thành phần thường có chứa povidon-iodine có tác dụng ngăn chận sự phát triển của nấm candida trong miệng. Dung dịch này thường được sử dụng trong điều trị bệnh tưa miệng (hay còn gọi là đẹn) do nấm candida gây ra, với những mảng trắng nhỏ ở lưỡi hay bên trong má, gây đau rát khi ăn uống.
Thẩm mỹ: trong thành phần có chứa hydroxyl peroxyt (H2O2) có tác dụng làm trắng răng.

Những lưu ý khi sử dụng

Sử dụng dung dịch để vệ sinh răng miệng kết hợp với các phương pháp khác như đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa, chứ không phải để thay thế các phương pháp này.
Cũng như bất cứ một loại dược phẩm nào khác, việc sử dụng dung dịch cũng cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc và nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
Tránh sử dụng quá nhiều vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như: khô miệng, lở loét miệng, đau nhức…
Không được sử dụng dung dịch cho trẻ em < 6 tuổi vì ở lứa tuổi này các em chưa biết cách súc miệng mà thường nuốt vào miệng.
Với trẻ em từ 6 – 12 tuổi, khi sử dung dịch cần có sự giám sát của người lớn
Với người hút thuốc lá, cần tránh sử dụng dung dịch có chứa cồn trong một thời gian dài, vì làm gia tăng nguy cơ ung thư miệng!

(Theo Báo Sức khỏe & Đời sống)

Comments

comments