Chiếc răng sâu tố cáo chia cách giàu nghèo trong lòng nước Mỹ

Trong khi giới tài phiệt Mỹ tiêu tốn 1 tỷ USD mỗi năm để sở hữu hàm răng trắng bóng thì hàng triệu người khác dù làm việc quần quật cũng không đủ tiền đi gặp nha sĩ.

Một buổi sáng thứ sáu rét buốt, khi mặt trời còn chưa ló rạng, Dee Matello – chủ một cửa hàng nhỏ, đã tới Trung tâm Hành chính Wicomico ở Eastern Shore, hòa lẫn vào đoàn người đang xếp hàng chờ khám chữa răng. Ai nấy đều co ro, cố chống lại cơn gió dưới những chiếc áo khoác và chăn len.

Bên trong, dãy ghế nha khoa được xếp gọn gàng. Ngày hôm trước, hơn 100 nha sĩ từ 5 tiểu bang khắp nước Mỹ đã tới đây, sẵn sàng sửa răng cho 1.000 bệnh nhân đến sớm nhất.

Số thứ tự của Matello là 503. Người phụ nữ sở hữu một cửa hàng nhỏ bị đau răng đến mức chỉ nhai được bằng hàm phải suốt nhiều năm nhưng không có bảo hiểm nha khoa để điều trị. Không chỉ về mặt thể chất, cơn đau ấy còn là lời nhắc về cảm giác bị bỏ rơi, không được đáp ứng nhu cầu cơ bản ở một đất nước đầy rẫy người giàu.

chiec-rang-sau-to-cao-chia-cach-giau-ngheo-trong-long-nuoc-my
Matello (phải) run rẩy đứng xếp hàng chờ khám răng. Ảnh: WP.

Theo Washington Post, tại Mỹ, đi cùng khoảng cách giàu nghèo liên tục gia tăng, chăm sóc nha khoa chứng kiến sự phân chia đáng mỉa mai. “Đất nước này bị cắt làm hai. Một bên là những người giàu và một bên là những người phải chật vật với tất cả mọi thứ, kể cả việc đến gặp nha sĩ”, Matello trải lòng. “Phần tồi tệ nhất là tôi không nhìn thấy chiếc cầu nào để trở thành một trong những người giàu ấy”.

Xã hội phương Tây coi hàm răng rắng, đều như “dấu hiệu rõ ràng nhất của sự thịnh vượng”. Không ít cá nhân sẵn sàng chi 2.000 USD cho từng chiếc răng để bọc sứ và che đi những điểm chưa hoàn hảo. Ước tính giới tài phiệt Mỹ tiêu tốn 1 tỷ USD mỗi năm cho nha khoa trong khi hàng triệu người khác chỉ trông chờ vào phòng khám từ thiện hoặc dịch vụ cấp cứu ở bệnh viện. “Thấy ai đó có hàm răng đẹp, tôi sẽ nghĩ họ không cùng tầng lớp với mình”, Matello thành thật.

Tại vùng Eastern Shore nghèo nhất bang Maryland, ngay cả nguồn nước cũng không đạt chuẩn. 25% dân số Mỹ tương đương 80,7 triệu người không được dùng hệ thống nước máy mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Bệnh dịch Mỹ (CDC) gọi là “một trong 10 tiến bộ sức khỏe vượt bậc của thế kỷ 20”.

Trái ngược với Washington, nơi tỷ lệ nha sĩ thuộc hàng cao nhất thế giới, hàng loạt khu vực ở Mỹ rơi vào tình trạng thiếu hụt nha sĩ. “Thật sai lầm. Chỗ cần nhất lại ít nha sĩ nhất”, George Acs, giám đốc nha khoa tại phòng khám Chesapeake Health Care bức xúc.

Năm ngoái, các bệnh viện Mỹ tiếp nhận hơn 2 triệu ca cấp cứu liên quan răng miệng. “Những gì tôi thấy thật khủng khiếp”, ông Acs nói. Số tiền người dân bỏ ra trong những lần cấp cứu ấy vào khoảng 1,6 tỷ USD song thiết bị vẫn không được cải thiện. Bệnh nhân chỉ được nhận kháng sinh và opioid, vô tình làm trầm trọng hơn đại dịch opioid đang hoành hành khắp xứ cờ hoa. Tồi tệ hơn, nhiều chất gây nghiện làm khô miệng, dẫn đến nguy cơ sâu răng nên càng phụ thuộc, sức khỏe răng miệng càng giảm sút.

chiec-rang-sau-to-cao-chia-cach-giau-ngheo-trong-long-nuoc-my-1
Nha sĩ tận dụng hội trường làm phòng khám cho bệnh nhân. Ảnh: WP.

Louis Sullivan từng làm thư ký sức khỏe dưới thời Tổng thống George H.W. Bush cho biết “những vấn đề hệ thống” chính là nguyên nhân ngăn cản người dân tiếp cận với nha sĩ.

Thứ nhất, hầu như mọi nha sĩ mới vào nghề đều gánh chịu khoản nợ lớn. Các chuyên gia phân tích một sinh viên sau 4 năm học nha khoa nợ khoảng 260.000 USD, nhiều hơn cả sinh viên y khoa. Muốn kiếm tiền, họ buộc phải tìm đến những khu vực giàu có.

Thứ hai, nếu hoạt động đơn lẻ, hàng loạt chi phí như địa điểm, máy móc sẽ đè lên vai nha sĩ. Để bù đắp, họ không còn cách nào khác ngoài tăng số tiền bệnh nhân cần chi trả. Lớp nha sĩ trẻ tuổi sẵn sàng làm việc theo nhóm để giảm chi phí song những bác sĩ lâu năm hiếm khi chịu thay đổi.

Cuối cùng, sức khỏe răng miệng vẫn bị tách riêng khỏi phần còn lại của cơ thể. Ngày nay, người ta nhận ra sự phân chia này hoàn toàn sai lầm vì răng miệng yếu kém sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim, trầm cảm. Thế nhưng, bảo hiểm Mỹ vẫn không chi trả tiền khám răng. Nếu có nhu cầu, người dân phải tự mua bảo hiểm nha khoa mà các khoản trợ cấp chỉ dành cho 1.500 suất mỗi năm. Viện Chính sách Y tế của Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) chỉ ra hơn một phần ba người Mỹ trưởng thành không có bảo hiểm nha khoa.

Trường hợp có medicaid, bảo hiểm dành cho người nghèo, cá nhân cũng chưa chắc được hỗ trợ bởi không phải tất cả tiểu bang và nha sĩ đều chấp nhận nó. Trên thực tế, chỉ 38% bác sĩ răng miệng đồng ý khám chữa cho bệnh nhân mua Medicaid do mức hoàn trả quá thấp cùng hàng loạt vấn đề như rắc rối quan liêu, tỷ lệ bỏ hẹn cao. Điều này làm xuất hiện những câu chuyện phải đi 120 dặm mới được điều trị dù chỉ bị sâu răng.

Tại Trung tâm Hành chính Wicomico, Matello vừa được vào bên trong sau 5 tiếng chờ đợi. Thấy một cựu binh trên chiếc xe lăn, bà hỏi: “Ông vừa làm gì thế?”. “Nhổ 9 cái răng”, người đàn ông đáp.

Đầu giờ chiều, Matello nghe thấy số thứ tự của mình rồi được kiểm tra nhiệt độ. Bà bị sốt nhẹ nhưng không ảnh hưởng gì.

Thêm 2 giờ trôi qua, người phụ nữ 46 tuổi tưởng chừng sắp được khám thì một tình nguyện viên cất tiếng: “Trong hôm nay chúng tôi sẽ khám đến số 500. Những người khác hãy quay lại vào ngày mai”. Đám đông bắt đầu giận dữ, la ó còn Matello không kìm được nước mắt. Đợi suốt 10 giờ, bà vẫn phải ra về, ăn bữa tối bằng một bên hàm.

chiec-rang-sau-to-cao-chia-cach-giau-ngheo-trong-long-nuoc-my-2
Matello cố chải chiếc răng đau. Ảnh: WP.

7h sáng hôm sau, cuối cùng Matello cũng được chữa trị. Vừa nằm trên ghế, bà vừa nhìn trần nhà. Khắp hội trường vang lên ca khúc New York State of Mind của Billy Joel.

Robert Testani, nha sĩ đến từ Catonsville kiểm tra Matello và xem ảnh chụp X-quang trước khi nới lỏng ống novocaine trong miệng bệnh nhân. Anh đã sẵn sàng nhổ chiếc răng hỏng.

Trong 2 ngày, 116 nha sĩ đã chữa trị cho 1.165 bệnh nhân và nhổ 795 chiếc răng. Tổng cộng giá trị các dịch vụ lên tới 1 triệu USD. Matello cảm thấy vô cùng biết ơn bởi nếu tự đi khám, bà sẽ tốn 600-800 USD.

Nhìn xung quanh, Matello không khỏi chạnh lòng bởi những người có công việc đàng hoàng vẫn phải tới đây. Dù tự nhủ không nhìn, bà vẫn chẳng thể rời mắt khỏi tài xế xe tải 51 tuổi đứng gần. Bị nhổ 3 cái răng, miệng ông đầy những miếng bông dính máu.

“Tôi đã cố gắng nghĩ rằng tình trạng này không đáng xấu hổ”, Matello nghẹn ngào. “Nhưng nó là vậy đấy. Y hệt một quốc gia thuộc thế giới thứ ba”.

Nha sĩ cứu chiếc răng sâu của bạn như thế nào?

Minh Nguyên

Nguồn Vnexpress

Comments

comments