Kem đánh răng thường bao gồm nhiều thành phần để tạo bọt, tạo độ thơm mát, mùi hương… Tuy nhiên, cần chọn loại kem có fluor để tạo nguồn cung cấp khoáng chất giúp răng thêm chắc khỏe. Riêng bàn chải nên chọn loại có sợi mềm, độ lớn phù hợp với vòm miệng.
Trong một lần trò chuyện gần đây, Bác Sĩ Chuyên Khoa II Huỳnh Đại Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, Phó chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TPHCM chia sẻ: “Có không ít bệnh nhân đến điều trị răng miệng đều chung thắc mắc: Chẳng hiểu vì sao tôi đánh răng đều đặn mà vẫn bị sâu răng?”. Với số liệu đến hơn 90% dân số mắc các vấn đề về răng miệng (thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ vào tháng 7/2011), rõ ràng câu chuyện về chăm sóc sức khỏe răng miệng vẫn là lời đánh đố với người dân Việt Nam. Vậy chăm sóc răng thế nào mới đủ và đúng cách?
Theo BS.CKII. Huỳnh Đại Hải, việc chăm sóc răng miệng đơn giản nhất nên bắt đầu từ thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần và vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày. Tuy nhiên, đó là thói quen “dễ nói, khó làm”, bởi vẫn còn không ít hiểu lầm nguy hiểm của người dân khiến việc chăm sóc răng miệng khó đạt hiệu quả như mong muốn. Sau đây là những hiểu lầm điển hình mà nhiều người mắc phải:
Đánh răng nhiều lần sẽ làm tổn hại đến răng
Điều này không đúng vì sau khi ăn (đặc biệt là với các thức ăn nhiều chất bột, đường), chỉ cần 5 – 10 phút là vi khuẩn đã làm lên men axit có khả năng phá thủng men răng. Vì vậy, một trong những biện pháp phòng sâu răng hữu hiệu mỗi ngày là: ăn bao nhiêu bữa thì nên chải răng sau bữa ăn bấy nhiêu lần. Nếu khó thực hiện việc này đều đặn thì có thể uống nhiều nước hơn sau khi ăn. Đây cũng là cách để súc miệng, giúp làm trôi bớt các mảng bám trên răng, giúp răng sạch khỏe.
Khi chải răng đúng phương pháp bằng bàn chải mềm thích hợp, việc vệ sinh răng 3-4 lần mỗi ngày vẫn không hề gây tổn hại gì cho răng.
Cũng cần nói thêm rằng thói quen đánh răng sau buổi sáng khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ là chưa đủ để phòng sâu răng. Hành động này chỉ có tác dụng giúp ngăn ngừa bệnh hôi miệng mà thôi.
Không cần quan trọng chuyện chọn kem và bàn chải
Điều này không chính xác. Kem đánh răng thường bao gồm nhiều thành phần để tạo bọt, tạo độ thơm mát, mùi hương… Tuy nhiên, cần chọn loại kem có fluor để tạo nguồn cung cấp khoáng chất giúp răng thêm chắc khỏe.
Riêng bàn chải nên chọn loại có sợi mềm, độ lớn phù hợp với vòm miệng. Việc dùng bàn chải quá cứng trong thời gian dài sẽ khiến đường cổ răng bị mòn, vô tình sinh ra bệnh răng miệng.
Mảng bám càng nhiều, răng càng… chắc!
Có thể xem đây là một cách biện minh cho việc lười đánh răng của nhiều người. Các mảng bám quanh răng chính là cao răng. Khi cao răng đóng dày sẽ sinh ra tình trạng tụt nướu, gây viêm nướu, chảy máu nướu… Ngoài ra, vi khuẩn sống ẩn nấp dưới những mảng vôi răng này sẽ tiết ra độc tố gây bệnh hôi miệng và nha chu, khiến cho răng bị chảy máu, mủ, thậm chí có thể mất dần chiếc răng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng này là nên khám răng để lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần cho răng miệng sạch sẽ, hơi thở thơm mát mỗi ngày.
Đầu bạc thì… răng long
Nhiều người vẫn nghĩ hàm răng già theo tuổi. Khi bước vào độ tuổi ngoài 50, thậm chí có nhiều người răng đã rụng quá nửa hàm. Tuy nhiên, thực tế là nếu biết cách giữ gìn răng miệng đúng cách và khám răng định kỳ, nha sĩ có thể giúp mỗi người giữ gìn được hàm răng đủ 32 hoặc 28 chiếc đến tận khi ngoài độ tuổi “thất thập cổ lai hy.
Nguồn: Dân trí