Thuật ngữ “làm răng” ở đây rất rộng, có thể bao gồm rất nhiều điều trị chuyên khoa răng hàm mặt: từ đơn giản như lấy vôi răng, trám răng, đến phức tạp như chữa tủy răng, nhổ răng hay phải thực hiện phẫu thuật. Vì vậy, cần phải phân biệt trong trường hợp nào thì “được làm”, trường hợp nào thì “không”
Vì sao bà bầu phải làm răng?
Công tác thăm khám định kỳ, điều trị dự phòng răng miệng ở tất cả mọi người mang ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với người phụ nữ mang bầu. Bởi vì, ở phụ nữ, trong giai đoạn này, các hormone Progesterone và Estrogen tăng lên, đẩy mạnh tuần hoàn và đưa nhiều máu tới lợi. Do đó, lợi sẽ bị sưng lên và dễ phản ứng với vi khuẩn, làm tăng mảng bám.
Trên thực tế, những phụ nữ mang bầu có nguy cơ cao mắc các bệnh về răng miệng do lượng can xi trong cơ thể thay đổi liên tục. Đối với những phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh, sự thay đổi này rất khó nhận thấy, còn đối với những phụ nữ sức khỏe yếu thì khi mang bầu lượng canxi trong cơ thể người mẹ sẽ giảm đi rất nhiều.
Thai nhi ở 24 – 25 tuần tuổi là thời điểm hệ xương đang hình thành mạnh mẽ. Lượng canxi cần thiết để hình thành xương của trẻ được lấy từ cơ thể của mẹ. Trong máu của người mẹ khi ấy không đủ canxi và cơ thể đòi hỏi phải cung ứng thêm lượng canxi. Và `sự hy sinh đầu tiên` cho quá trình này là các mô xương ở hàm trên và hàm dưới.
Hơn nữa, khi mang bầu, tuyến nước bọt trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi. Trong nước bọt chứa những chất làm chắc men răng, ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh sâu răng. Trong thời gian mang bầu, lượng nước bọt tiết ra giảm và hậu quả là dễ bị sâu răng.
Trong suốt thai kỳ, người mẹ nhiễm khuẩn ở bất cứ bộ phận nào thuộc cơ thể cũng gây những rủi ro tiềm ẩn cho cả bà mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai nếu không được điều trị dứt điểm bệnh về răng lợi thì có nguy cơ đẻ non trước 35 tuần cao gấp 3 lần so với bình thường, đó là kết quả ghiên cứu của Hiệp hội nghiên cứu về răng miệng của Mỹ tiến hành với 160 phụ nữ mang thai từ 6 đến 20 tuần.
Chỉ định và chống chỉ định điều trị cho bà bầu
Với sự tiến bộ của kỹ thuật điều trị nha khoa, hầu hết những bệnh về răng miệng mà bà bầu gặp phải ở giai đoạn thai kỳ đều có thể điều trị được. Sau đây là những điều trị nên và không nên làm đối với bà bầu:
Lấy cao răng, vôi răng. Đây không phải là điều trị thực sự mà giống một lần điều trị phòng ngừa và khám tổng quát cho sức khỏe răng miệng. Lấy vôi răng đặc biệt có vai trò rất quan trọng đối với bà bầu. Chúng tôi thường khuyên các bà bầu nên đi lấy cao răng. Bởi vì, như đã phân tích ở trên, đây là thời kỳ có nhiều biến động về nội tiết tố của cơ thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe răng miệng, là thời kỳ để vôi răng mảng bám hình thành nhiều hơn. Trong quá trình lấy cao răng, những răng sâu hoặc có nguy cơ sâu cũng được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.
– Trám, hàn răng sâu: Khi răng bị sâu (ở mức độ vừa phải, chưa gây đau nhức), bà bầu hoàn toàn có thể thực hiện việc điều trị trám, hàn này mà không phải lo lắng bất kỳ điều gì (có thể ảnh hưởng đến thai nhi)
– Chữa tủy: Khi răng bị đau nhức mà còn bảo tồn được thì bà bầu cũng hoàn toàn có thể điều trị chữa tủy răng. Tuy nhiên, ở việc điều trị này, cần phải áp dụng một vài thủ thuật nhất định để tránhđưa hóa chất vào cơ thể trong quá trình điều trị.
– Nhổ răng: Nhổ răng lẽ đương nhiên là phải chích thuốc tê. Mà chích thuốc tê thì có nghĩa là hóa chất sẽ được đưa vào cơ thể. Hầu hết bác sĩ Sản khoa sẽ không khuyến khích hoặc có chỉ định cấm việc này trong thời gian mang bầu của người phụ nữ . Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ (ví dụ như ở ba tháng giữa), và có sự đồng ý của bác sĩ Sản khoa, việc nhổ răng cho thai phụ vẫn có thể được thực hiện. Lẽ đương nhiên là nha sĩ sẽ phải cân nhắc loại thuốc têsử dụng, hàm lượng và số lượng được phép sử dụng, cũng như trong việc kê toa thuốc sau đó. Cân nhắc lợi ích của việc nhổ răng (giảm đau, tránh nhiễm trùng do răng hư gây ra) so với việc cố tình giữ lại răng hư gây đau đớn cho thai phụ hoặc có nguy cơ gây nhiễm trùng là điều cần thiết.
– Chụp Xray: Không nên thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Mặc dù tia X sử dụng trong nha khoa có mật độ rất thấp nhưng cũng không nên sử dụng. Bởi vì trên điều trị thức tế, nha sĩ có vẫn có thể điều trị mà không cần đến sự hỗ trợ của tia X.
– Những phẫu thuật tạo hình, tiểu phẫu cũng không nên thực hiện trong giai đoạn này. Chỉ thực hiện phẫu thuật khi gặp trường hợp phải cấp cứu. Và trong trường hợp này, phải có sự phối hợp của bác sĩ Sản khoa.
Điều trị nha khoa, kể cả những điều trị đơn giản như lấy cao răng, là một trong những điều trị mà hầu hết mọi người đều “e ngại”. Vì… sợ đủ thứ. Từ tiếng máy móc hoạt động trong phòng khám đến sợ đau. Bà bầu lại càng gặp khó khăn hơn khi đi điều trị nha khoa. Bởi vì, ở giai đoạn này, miệng của thai phụ rất nhạy cảm, sẽ dễ phản ứng hơn khi nha sĩ đưa dụng cụ vào làm việc. Bụng lớn mà phải nằm lâu trên ghế điều trị cũng làm cho bà bầu tương đối khó chịu…
Tuy nhiên, chúng tôi luôn khuyên thai phụ nên cố gắng thực hiện điều trị nha khoa, ít nhất là lấy cao răng trong giai đoạn này và trám hàn phòng ngừa những răng sâu và có nguy cơ bị sâu, để đảm bảo có một thai kỳ với sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Ths. Bs Nguyễn Bá Lân