60% trẻ em nông thôn không biết cách vệ sinh răng miệng

Kết quả nghiên cứu được báo cáo tại hội nghị do Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM tổ chức năm 2014 cho biết, hơn 90% trẻ 6 tuổi bị sâu răng. Trong đó, tỷ lệ mắc sâu răng ở trẻ nông thôn luôn cao hơn thành thị.

Không được thường xuyên tiếp cận với các dịch vụ nha khoa, sử dụng nguồn nước tự nhiên có nồng độ flour thấp, ít được nhà trường phổ biến kiến thức chăm sóc răng miệng, không nhận được sự nhắc nhở của phụ huynh về vấn đề chải răng 2 lần mỗi ngày… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu răng nghiêm trọng của trẻ em vùng nông thôn.

Sâu răng tạo ra các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng và trở thành cây cầu dẫn vi khuẩn khắp cơ thể. Sâu răng và viêm tủy răng không được điều trị sẽ bị hoại tử, biến chứng áp-xe răng, nang quanh chóp vô cùng đau đớn. Nhiều trường hợp nhiễm trùng huyết và nghẽn mạch xoang hang ở não có nguyên nhân từ răng. Ngoài ra, nó còn dẫn đến những chứng bệnh không ngờ tới như viêm cầu thận, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, các bệnh tim mạch và huyết áp cũng như tăng nguy cơ ung thư.

Bên cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe thì thiệt hại kinh tế do sâu răng gây ra cũng rất lớn. Theo thống kê thì nếu phòng bệnh cho cộng đồng chỉ tốn 1.200 đồng/răng nhưng nếu để phải điều trị nội nha thì tốn từ 50.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Do đó, vấn đề ở đây là phải giúp toàn cộng đồng có ý thức phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe răng miệng bên cạnh việc xã hội hóa nha học đường.

Một nghiên cứu thực tế khác đã chỉ ra ở nông thôn có đến 94% trẻ em chưa được điều trị các bệnh răng miệng, trong khi ở thành thị có đến 65% phụ huynh quan tâm đến việc điều trị cho trẻ. Ngoài ra, khi 85% trẻ em ở các trường tiểu học thành thị biết cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách thì 60% trẻ em nông thôn không biết cách vệ sinh răng miệng và hầu như chưa bao giờ chải răng vào buổi tối.

Trong nhiều chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người dân thì chương trình nha học đường nổi đã giúp cải thiện đáng kể tình hình sức khỏe răng miệng của trẻ ở lứa tuổi học đường. Kết quả là ở những trường tổ chức tốt chương trình nha học đường thì tỷ lệ sâu răng trẻ giảm từ 60 – 70% sau 6 năm.

Hãy cùng ngắm những khoảnh khắc hồn nhiên của các trẻ em nông thôn đã được các nhiếp ảnh gia lưu giữ qua chuyến Hành trình bảo vệ nụ cười Việt Nam tại Nghệ An:

Nguồn: Dân trí

Comments

comments