​Sâu răng và phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

Sâu răng là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là ở trẻ em.

 Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy rằng, trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ có nguy cơ bị sâu răng nhiều hơn khi lớn lên. Vì vậy, việc phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ giúp tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này.Trẻ em rất dễ bị sâu răng

Sâu răng là một bệnh đa yếu tố tương tác lẫn nhau, trong đó gồm 5 yếu tố chính: răng (vật chủ), vi khuẩn (mảng bám răng), chất bột – đường, thời gian và nước bọt (dòng chảy pH). Vì vậy, việc dự phòng và điều trị sâu răng phải tác động lên các yếu tố trên.

Sâu răng nếu không được diều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tủy không hồi phục, chết tủy, viêm quanh chóp răng, viêm mô tế bào, viêm tấy sàn miệng hoặc có thể dẫn đến tử vong. Ở trẻ em khi răng bị viêm tủy không hồi phục thì việc điều trị tủy gặp nhiều khó khăn hơn ở người lớn.

Mất răng sữa sớm dẫn đến hậu quả là trẻ nhai khó khăn, khó phát âm, mất thẩm mỹ làm trẻ mặc cảm với bạn bè.

Đặc biệt, khi mất răng sữa sớm dẫn đến mất khoảng làm cho răng vĩnh viễn bên cạnh bị nghiêng hoặc lệch về khoảng mất răng, đồng thời làm cho răng vĩnh viễn mọc lên bị thiếu khoảng nên không mọc lên được hoặc mọc sai vị trí.

Phòng ngừa sâu răng sữa ở trẻ bằng cách nào?

1/ Hạn chế các thức ăn ngọt

Các thức ăn có nhiều đường như bánh kẹo (số lần quan trọng hơn số lượng), các loại nước ngọt, đặc biệt là loại có gas thì nên hạn chế cho trẻ sử dụng.

Cũng không nên cho trẻ uống trực tiếp chai, lon có gas sẽ làm mất khoáng rất nhanh ở bề mặt răng và dễ dẫn đến sâu răng. Nên có chế độ ăn giàu canxi và vitamin như pho mát, rau xanh…, uống nhiều nước trong ngày.

2/ Loại bỏ mảng bám vi khuẩn

Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ chải răng đúng phương pháp, chải răng 2 lần trong ngày (sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ); hướng dẫn cho trẻ có thói quen dùng chỉ nha khoa để giúp kiểm soát mảng bám ở vị trí kẽ răng.

3/ Ngăn ngừa mất khoáng

Ngăn ngừa mất khoáng và gia tăng sự tái khoáng với calcium và phosphate trên bề mặt răng: sử dụng nguồn nước có Fluor đạt tiêu chuẩn (0,5 – 0,7ppm), sử dụng nước súc miệng có Fluor (NaF 0,2%), sử dụng kem đánh răng có Fluor.

4/ Khám răng định kỳ

Định kỳ 6 tháng 1 lần cho trẻ đi khám răng. Nếu trẻ có nguy cơ sâu răng, bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật trám bít hố rãnh để dự phòng sâu răng, kỹ thuật áp Fluor tại phòng nha (đeo máng có Gel Fluor (AFP) 1,23% khoảng 4 phút, 1-2 lần/1 năm). Khi răng đã bị sâu thì phải đến cơ sở y tế để trám phục hồi lỗ sâu càng sớm càng tốt.

5/ Đến bác sĩ chỉnh nha kịp thời

Nếu trẻ bị mất răng sữa sớm, cần đến bác sĩ chỉnh nha để làm bộ giữ khoảng răng. Khi răng vĩnh viễn bên cạnh vị trí nhổ răng bị nghiêng thì cần phải chỉnh nha can thiệp sớm bằng việc nới khoảng hoặc dựng lại trục răng vĩnh viễn.

Nếu để chậm xảy ra tình trạng cắn chéo, cắn ngược thì cần điều trị chỉnh hình can thiệp sớm như cân bằng khớp cắn bằng mài chỉnh chọn lọc để loại bỏ các điểm cản trở khớp cắn, đắp mặt phẳng nghiêng bằng composite, sử dụng mặt phẳng nghiêng, thanh chặn lưỡi, khí cụ phục hình tháo lắp có lò xo.

Nguồn: tuoitre.vn

Comments

comments